Gen Z: thế hệ đa nhiệm
Sự phát triển của xã hội đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, thay vì làm một công việc ổn định 8 tiếng/ngày thì không ít người lại chọn làm nhiều việc cùng một lúc.
Đây cũng chính là xu hướng mới của gen Z (những người sinh năm 1997-2012) tại tỉnh Đồng Nai.
Đa dạng nghề nghiệp, đa dạng thu nhập
Đa nhiệm trong công việc (multitask) có nghĩa là khả năng xử lý nhiều công việc cùng một lúc. Đây là phương thức làm việc được giới trẻ yêu thích hiện nay. Có những người làm việc tự do (freelancer), tức là họ không phải là nhân viên chính thức của công ty nào mà sẽ nhận việc theo dự án với nhiều vị trí công việc khác nhau. Tuy nhiên, hình thức làm việc phổ biến hiện nay của Gen Z là làm một công việc chính thức kết hợp với làm việc tự do. Nghĩa là có một số lượng lớn người trẻ hiện nay làm việc đến hơn 8 tiếng/ ngày.
Đó là trường hợp của anh Võ Minh Luân (sinh năm 2001) làm 2 công việc cùng một lúc: nhân viên thiết kế và hậu cần cho đài truyền hình; anh Minh Ánh (sinh năm 2000) vừa làm nhân viên bán hàng, vừa tham gia biểu diễn nghệ thuật; chị Bùi Vũ Hải Yến (sinh năm 2001) vừa là nhân viên văn phòng kiêm gia sư ngôn ngữ Hàn Quốc…
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động như hiện tại, tình trạng cắt giảm nhân sự và tiền lương khiến nhiều người lao động phải lao đao. Làm nhiều việc cùng một lúc cũng giống như “chia trứng vào nhiều giỏ”, giúp người lao động tránh được nhiều rủi ro về tài chính. Hiểu rõ điều này nên giới trẻ ngày nay có xu hướng muốn được “đa nhiệm” trong công việc. Mặt khác, khi được làm qua nhiều ngành nghề, người trẻ sẽ có thêm trải nghiệm và khám phá được những thế mạnh của mình. Việc nhận nhiều công việc một lúc và làm tại nhà không quá khó khăn. Thậm chí, nhận nhiều việc làm tại nhà còn giúp tiết kiệm được chi phí đi lại, quần áo… so với làm việc tại văn phòng.
Để trở nên “đa nhiệm” hơn, nhiều bạn trẻ không ngần ngại học 2 văn bằng cùng một lúc. Nhờ ứng dụng tốt công nghệ, học online, không ít người trẻ còn học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng. Chị Bùi Vũ Hải Yến (sinh năm 2001) ngoài sở hữu tấm bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường đại học Ngoại ngữ và tin học còn có một số chứng chỉ khác như: chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ tin học văn phòng, hoàn thành khóa học đào tạo ngắn hạn ngành logistic…
Anh Minh Ánh, nhân viên bán hàng tại 1 cửa hàng Thế giới di động ở Biên Hòa, chia sẻ: “Kỹ năng bán hàng là sở trường, còn âm nhạc, nghệ thuật là niềm đam mê của tôi. Mỗi ngày, tôi đi làm đều đặn 8 tiếng tại cửa hàng, tối đến tôi nhận thêm show để kiếm thêm thu nhập. Tôi cảm thấy rất vui vì vừa được làm điều mình thích, vừa trang trải thêm được một phần để lo cho gia đình”.
Không chỉ làm nhiều việc cùng lúc để kiếm tiền phục vụ cho cuộc sống gia đình, anh Minh Ánh còn muốn tích lũy một phần để có thể quay trở lại giảng đường đại học, thực hiện tiếp ước mơ trở thành diễn viên còn đang dang dở của mình.
Đối với người trẻ ngày nay, nhu cầu về cuộc sống vật chất không phải là động lực duy nhất để làm việc mà đó còn là nhu cầu được học tập, trải nghiệm và thực hiện ước mơ, hoài bão của chính mình.
Việc củng cố kiến thức ở nhiều lĩnh vực giúp cho người lao động trẻ có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm và nâng cao mức lương khởi điểm sau khi tốt nghiệp. Chính vì “đa nhiệm” đang trở thành xu hướng nên các ngành học đào tạo nhiều kỹ năng như: Truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ Anh,… đang có tỷ lệ chọi rất cao. Bởi sau khi tốt nghiệp những ngành này, các tân cử nhân sẽ có khả năng “cân” được nhiều vị trí việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Đa nhiệm” có phải là áp lực của giới trẻ?
Để trở nên “đa nhiệm”, nhiều người đã rơi vào trạng thái bị áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Theo tâm lý học, đây là một hội chứng tâm lý thường thấy ở người trẻ, luôn bị ám ảnh bởi sự ưu tú của những người cùng thế hệ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của con người, thậm chí đưa họ đi đến những quyết định sai lầm như: làm việc quá tải, chọn sai ngành, làm những công việc không thuộc thế mạnh của mình, ngộ nhận rằng những áp lực mình đang gánh chịu chính là điều mà bản thân bắt buộc phải trải qua để có được thành công như những người xung quanh…
Không thể phủ nhận việc “đa nhiệm” giúp tăng khả năng kiếm thêm thu nhập, mở rộng các mối liên hệ xã hội và mang đến nhiều cơ hội cho người trẻ, tuy nhiên không nên biến điều đó trở thành áp lực.
Không phải người trẻ nào cũng có nhu cầu trở nên “đa nhiệm”, vẫn có những người chỉ chọn làm một công việc nhưng vẫn gặt hái được thành công. Chính vì vậy, việc trở nên “đa nhiệm” không phải là tiêu chuẩn chung cho xã hội mà phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mỗi người. Thay vào đó, điều quan trọng nhất mà người lao động cần làm là đảm bảo và nâng cao kỹ thuật chuyên môn của mình, khi nhận làm nhiều việc một lúc cần có sự sàng lọc kỹ càng, đặc biệt là kỹ năng sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như hiệu suất công việc.
Anh Nguyễn Vũ Đức (sinh năm 2001, cử nhân chuyên ngành tâm lý học giáo dục của Trường đại học học Khoa học xã hội và nhân văn (đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Áp lực về kinh tế là động lực để tôi làm nhiều việc cùng một lúc. Làm thêm các công việc tự do có cái hay là tôi có thể từ chối những dự án nằm ngoài chuyên môn của mình”. Sau khi tốt nghiệp, anh Đức vào đời với những mộng ước, hoài bão của tuổi trẻ. Anh là giáo viên giảng dạy môn kỹ năng sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian dạy học ở trường, anh còn kiêm cả gia sư dạy đàn piano tại Biên Hòa, nhận kí âm và sáng tác nhạc.
“Sự “đa nhiệm” của người trẻ hiện nay không còn nằm trong phạm vi công việc mà còn trong đời sống xã hội. Bởi người trẻ nào cũng có khát vọng được cống hiến.
Điển hình như anh Nguyễn Vũ Đức, ngoài những lúc làm việc bận rộn anh luôn dành thời gian để tham gia vào các hoạt động có ích cho xã hội: làm tình nguyện viên trong đợt dịch Covid-19 (năm 2021), tham gia các hội chợ từ thiện hàng tuần tại địa phương và các tỉnh lân cận, là một giáo lý viên và thành viên ca đoàn của giáo xứ Thuận Hòa (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa). Đối với Vũ Đức, để cân bằng giữa việc tìm kiếm thu nhập và cống hiến cho xã hội không quá khó khăn, chỉ cần có khả năng sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần phải nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của mình và quyết tâm hành động.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/gen-z-the-he-da-nhiem-abc1941/