Gen Z TP.HCM, Hà Nội phủ nhận 'cứ thích là nhảy việc'

Một số nhân sự Gen Z gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm, khẳng định chỉ 'nhảy việc' khi có lý chính đáng thay vì tùy hứng, như định kiến vốn dành cho thế hệ này.

 Nhiều nhân sự Gen Z gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân sự Gen Z gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

6 năm là khoảng thời gian Kim Ngân (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) gắn bó với công ty công nghệ hiện tại. Trong hơn nửa thập kỷ, Ngân từ nhân viên bán hàng trở thành trưởng nhóm kinh doanh, quản lý 7 nhân sự cấp dưới.

Phát triển chiều dọc là chiến lược của cô gái 27 tuổi từ khi bước chân vào thị trường lao động. Trong khi bạn bè đồng trang lứa liên tục “nhảy việc”, chuyển ngành, Ngân vẫn gắn bó với một công ty từ lúc ra trường.

Thừa nhận ít kinh nghiệm va chạm hơn bạn bè xung quanh, song Kim Ngân hài lòng với mức thu nhập tăng đều đặn hàng năm và cơ hội thăng chức sau một khoảng thời gian dài cống hiến. Hơn nữa, môi trường làm việc hiện tại vẫn cho cô không gian phát triển.

“Tôi chỉ nghỉ việc khi thấy không học thêm được gì”, trưởng nhóm kinh doanh Gen Z chia sẻ với Tri Thức - Znews.

 Nhận định Gen Z thiếu gắn bó không đúng với tất cả nhân sự thuộc thế hệ này. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhận định Gen Z thiếu gắn bó không đúng với tất cả nhân sự thuộc thế hệ này. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Quan điểm cho rằng Gen Z (sinh năm 1997-2012) thiếu gắn bó với công việc, thường xuyên nhảy việc đang lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhân sự thuộc thế hệ này công tác tại một đơn vị trong thời gian dài, chỉ nghỉ việc khi có lý do chính đáng.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Linda Nguyễn, chuyên gia tái cấu trúc hệ thống nhân sự doanh nghiệp SMES, cho rằng nhiều Gen Z sẵn sàng gắn bó lâu dài nếu công ty đáp ứng được nhu cầu phát triển. Họ chỉ “nhảy việc” nếu không còn nhận thấy sự phù hợp.

Thế hệ này có nhận thức rõ ràng về giá trị bản thân, mong muốn thăng tiến nhanh và tìm kiếm cơ hội phát triển trong công việc.

Gen Z không ngại gắn bó

Hiểu rằng phát triển chiều dọc không phải chiến lược hiệu quả duy nhất, song Kim Ngân vẫn khuyên nhân sự dưới quyền gắn bó ít nhất 6 tháng đến một năm với doanh nghiệp.

 Bội Bội ưu tiên môi trường làm việc việc và sự phát triển trong công việc. Ảnh: NVCC.

Bội Bội ưu tiên môi trường làm việc việc và sự phát triển trong công việc. Ảnh: NVCC.

Theo cô, đây là khoảng thời gian phù hợp để người lao động đưa ra nhận định chính xác về mức độ phù hợp với văn hóa công ty, phong cách làm việc của đồng nghiệp và cấp trên.

Sau một khoảng thời gian nhất định, nếu nhân viên nhận thấy sự khác biệt giữa hướng đi của bản thân và doanh nghiệp, Kim Ngân sẵn lòng duyệt đơn xin nghỉ việc, thậm chí giới thiệu cho họ cơ hội việc làm khác.

Giống với Kim Ngân, Trần Bội Bội (26 tuổi, quận 5, TP.HCM) cũng làm việc tại một công ty kinh doanh thời trang đường phố ở quận 10 (TP.HCM) trong 5 năm qua.

Suốt thời gian đó, cô có cơ hội phát triển chuyên môn, học hỏi kỹ năng trưng bày sản phẩm thu hút và tích lũy kiến thức về thấu hiểu khách hàng, thị trường. Mức lương 8 con số cũng đủ để cô gái sinh năm 1998 chi tiêu thoải mái ở TP.HCM và thỉnh thoảng đi du lịch.

“Ngoài thu nhập, mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp là điều giúp tôi gắn bó lâu dài. Chúng tôi hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên một môi trường làm việc vui vẻ và thoải mái”, Bội Bội nói thêm.

Đầu năm nay, trợ lý trưng bày sản phẩm (Visual Merchandising Assistant) nghiêm túc cân nhắc chuyện “nhảy việc” do cảm thấy công việc hiện tại không còn mang lại sự thử thách và cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, để giữ chân nhân sự có năng lực, công ty chủ động đưa ra giải pháp tăng lương 10%, đồng thời cung cấp cơ hội phát triển ở các lĩnh vực liên quan ngoài chuyên môn cho nhân viên 26 tuổi.

Nhận thấy đây là cơ hội để trải nghiệm và khám phá thêm tiềm năng của bản thân, Bội Bội quyết định ở lại. Song, cô cũng khẳng định sẽ không ngần ngại tìm kiếm những cơ hội mới nếu thấy giải pháp của doanh nghiệp không giúp bản thân vươn lên.

 Việt Dương gắn bó 4 năm rồi mới chuyển đổi công việc, tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh: NVCC.

Việt Dương gắn bó 4 năm rồi mới chuyển đổi công việc, tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh: NVCC.

Việt Dương (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) có 4 năm gắn bó tại một công ty truyền thông và giải trí ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Suốt thời gian làm việc tại đây, nhân sự trẻ có cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau, từ chuyên viên sáng tạo nội dung đến quản lý nội dung dự án.

“Nhờ làm việc lâu dài tại một doanh nghiệp, tôi xây dựng được những mối quan hệ thân thiết. Đây là ‘tài sản’ vô giá cho sự nghiệp sau này”, Gen Z cho biết.

Nhìn lại hành trình 4 năm, Dương cho rằng việc gắn bó với một tổ chức không chỉ mang lại kinh nghiệm chuyên sâu mà còn giúp anh xây dựng những mối quan hệ thân thiết, rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng xử lý cảm xúc.

Tuy nhiên, khi có những dự định lớn hơn và nhận ra doanh nghiệp cũ không còn khả năng cung cấp không gian phát triển, Việt Dương lựa chọn rời đi vào năm nay.

“Tôi đã gắn bó trong một thời gian đủ dài rồi mới rời đi. Quyết định vượt ra khỏi vùng an toàn ở thời điểm thích hợp của tôi được lãnh đạo công ty cũ ủng hộ”, anh nói.

Nhận công việc quản lý dự án social tại một tổ chức mới, Dương mong muốn có cơ hội học hỏi và leo thêm những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Anh hiện nhắm đến chức vụ trưởng phòng, đồng thời tích lũy kinh nghiệm để thành lập doanh nghiệp riêng.

Chìa khóa giữ chân nhân sự trẻ

Theo chuyên gia nhân sự Linda Nguyễn, nhận định cho rằng Gen Z nhảy việc nhanh, thiếu tính gắn bó có thể tìm thấy ở nhiều diễn đàn, hội nhóm thảo luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này vô hình trung phủ nhận công sức, sự nỗ lực của một bộ phận nhân sự trẻ có ý chí, thành tích tốt và phát triển nhanh.

Khi đưa ra quyết định chuyển đổi công việc, nhiều người lao động sinh sau năm 1997 có lý do chính đáng, hợp lý.

Thứ nhất, Gen Z mưu cầu sự thăng tiến nhanh, do đó, ưu tiên các công việc mang lại cơ hội học hỏi và phát triển kỹ năng trong thời gian ngắn. Khi công việc không đáp ứng được mong muốn, họ mới lựa chọn giải pháp nhảy việc.

 Nhân sự trẻ đánh giá cao sự hỗ trợ và hướng dẫn từ cấp trên, giúp họ rút ngắn thời gian phát triển sự nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân sự trẻ đánh giá cao sự hỗ trợ và hướng dẫn từ cấp trên, giúp họ rút ngắn thời gian phát triển sự nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Thứ hai, chuyên gia Linda Nguyễn chỉ ra rằng, bên cạnh mức lương và phúc lợi, Gen Z còn khao khát được đồng hành, hướng dẫn và kèm cặp để phát triển bản thân. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn hay làm nhiều việc hơn để có cơ hội học hỏi từ những người quản lý, lãnh đạo tài năng.

Bà nhận định đây là cách giúp nhân sự trẻ rút ngắn thời gian phát triển sự nghiệp.

Thứ ba, môi trường không phù hợp, áp lực công việc cao hay phúc lợi không tương xứng với kỳ vọng cũng là những lý do dẫn đến quyết định nhảy việc của nhân sự trẻ.

Cuối cùng, chuyên gia cho rằng sự bùng nổ của các startup cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân sự trẻ nhanh chóng tìm được bến đỗ mới, thậm chí trước khi kết thúc hợp đồng với công ty cũ.

Để thu hút và giữ chân nhân tài trẻ, bà Linda Nguyễn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường làm việc tích cực và văn hóa doanh nghiệp lành mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự, tạo ra lộ trình thăng tiến rõ ràng, lâu dài cùng chế độ phúc lợi hấp dẫn.

Linh Vũ - Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gen-z-tphcm-ha-noi-phu-nhan-cu-thich-la-nhay-viec-post1502696.html