Gen Z và Trịnh

Nhạc Trịnh không 'kén' người nghe, và như Trịnh Công Sơn từng tâm sự, âm nhạc của ông là để tất cả mọi người có thể hát theo cách của mình. Thế nên, dẫu có thể chưa đủ đồng điệu để cảm hết cách hát của nghệ sĩ trẻ, khán giả vẫn hãy cứ mở lòng đón nhận.

“Người trẻ cảm nhận được nhạc Trịnh khác so với thế hệ trước. Khi các bạn biểu diễn sẽ tạo cho nhạc Trịnh nguồn năng lượng vô cùng tích cực, mang cảm xúc khác biệt. Tôi muốn các bạn thể hiện theo tư duy của mình khi nghĩ về bài hát mà không mất chất riêng khi cố biểu diễn nhạc Trịnh”, Huỳnh Quang Tuấn, đại diện nhóm sản xuất dự án âm nhạc Gen Z và Trịnh, chia sẻ.

E.P Gen Z và Trịnh là dự án làm mới các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát của những nghệ sĩ gen Z như Hoàng Dũng, Mỹ Anh, Juky San, Hoàng Duyên, Obito. Các ca khúc đều nằm trong giai đoạn sáng tác của Trịnh Công Sơn độ tuổi 21-26, nhìn cuộc đời bằng con mắt người trẻ rực cháy, khao khát yêu và được yêu. Thể hiện những tình khúc ấy là những nghệ sĩ Gen Z cùng lứa tuổi Trịnh Công Sơn ngày đó, từ Mỹ Anh 21 tuổi đến Hoàng Dũng 26 tuổi. Họ có cảm xúc, sự lãng mạn tuổi trẻ, như tiếng lòng chung của những người trẻ ở thời đại cách biệt hơn nửa thế kỷ.

Gen Z và Trịnh là dự án âm nhạc của Universal Music Vietnam và Galaxy EE nhằm tri ân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được lấy cảm hứng từ 2 bộ phim điện ảnh Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh. Các bản phối được thực hiện theo 2 phong cách chủ đạo là Jazz swing và R&B, kết hợp chút lãng đãng hoài niệm của nhạc lofi. E.P ra mắt nhanh chóng gây chú ý với công chúng, đặc biệt khán giả trẻ. Mỗi nghệ sĩ tham gia dự án đều có một màu giọng khá đặc biệt, tư duy âm nhạc và có chung tình yêu dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Không phải nghệ sĩ nào cũng dám thử sức với nhạc Trịnh - dòng nhạc đã đi sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt với những cách hát đóng đinh “khuôn vàng thước ngọc”. Thế nên, sau khi Gen Z và Trịnh ra mắt công chúng, nhận về nhiều ý kiến trái chiều là bình thường. Như ca khúc Nhìn những mùa thu đi phiên bản của Mỹ Anh, được thực hiện theo phong cách Jazz swing cổ điển, có hơi hướng tối giản để phù hợp hơn với giới trẻ, có man mác buồn, có sự tươi mới dạt dào… thế nhưng, với những khán giả truyền thống yêu nhạc Trịnh, phần thể hiện hơi thản nhiên của Mỹ Anh thiếu sự rung cảm thực sự, chưa đủ từng trải. Còn với ca khúc Tuổi đá buồn, không còn nét buồn trải đời như ca sĩ Khánh Ly, Juky San hát ẩn chứa một nỗi buồn nhè nhẹ, như một cuốn băng cassette phủ màu thời gian.

Để lại sau lưng những mặc định không phải ai cũng hát được và dám hát, các nghệ sĩ gen Z vẫn hát nhạc Trịnh, tô vẽ gam màu mới từ ca khúc cũ. Khi chọn nhạc Trịnh, các nghệ sĩ không tránh khỏi lo sợ so sánh, chê bai, nhưng vượt trên tất cả, họ muốn mang đến điều mới mẻ về thứ âm nhạc đã đi cùng thời gian, để thế hệ trẻ như họ đã yêu càng yêu hơn.

Nhạc Trịnh không “kén” người nghe, và như Trịnh Công Sơn từng tâm sự, âm nhạc của ông là để tất cả mọi người có thể hát theo cách của mình. Thế nên, dẫu có thể chưa đủ đồng điệu để cảm hết cách hát của nghệ sĩ trẻ, khán giả vẫn hãy cứ mở lòng đón nhận.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//gen-z-va-trinh-820190.html