Ghế nóng: Bản lĩnh người lính

Những ngày qua, trung vệ Nguyễn Thanh Bình (thuộc biên chế Viettel FC) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với bàn thắng ghi được trong trận đội tuyển Việt Nam hòa đội tuyển Nhật Bản 1-1 tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Thanh Bình đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc. Bởi trước đó, chính cầu thủ này đã bị chỉ trích vì mắc sai lầm trong trận đội tuyển Việt Nam thua Trung Quốc 2-3, diễn ra vào tháng 10-2021.

Trước Thanh Bình, một cầu thủ khác của Viettel FC là Nguyễn Hoàng Đức cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hoàng Đức gây thất vọng lớn khi bỏ lỡ cơ hội ghi bàn “không thể tin được” trong trận U.20 Việt Nam hòa U.20 New Zealand 0-0 tại vòng chung kết U.20 World Cup 2017. Sau cú vấp ngã để đời đó, Hoàng Đức đã kiên trì rèn luyện bản lĩnh và trình độ để vươn tầm trở thành tiền vệ trung tâm hàng đầu, xuất sắc giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam năm 2021.

 Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên trái) bất ngờ được giữ lại đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Bóng đá.

Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên trái) bất ngờ được giữ lại đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Bóng đá.

Điểm chung giữa Thanh Bình và Hoàng Đức là cả hai đều phải hứng chịu “gạch đá” từ dư luận, nhưng đã biết vượt qua chính mình để chứng tỏ được năng lực. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào cũng bản lĩnh và may mắn như Thanh Bình và Hoàng Đức. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam và thế giới, có rất nhiều cầu thủ đã đánh mất cả sự nghiệp vì mắc lỗi trong trận đấu quan trọng. Và cũng có nhiều cầu thủ trẻ trở thành nạn nhân của truyền thông khi bị chỉ trích hoặc tung hô quá mức. Việc Hoàng Đức và Thanh Bình vượt qua khó khăn trên đều có nguyên do.

Từng chứng kiến quá trình tuyển chọn và đào tạo cầu thủ năng khiếu của Viettel FC, chúng tôi thấy rằng, chính phương pháp rèn luyện trong môi trường quân đội đã giúp những cầu thủ như Hoàng Đức tôi luyện ý chí, sự dẻo dai và bền bỉ để vượt qua khó khăn. Theo đó, những cầu thủ năng khiếu được tuyển chọn vào Trung tâm Thể thao Viettel (đơn vị chủ quản của Viettel FC) sẽ phải trải qua một quy trình sàng lọc khắt khe, phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Văn hóa, thể lực, kỷ luật và chuyên môn. Viettel FC đề cao việc giáo dục văn hóa, lối sống và cách cư xử cho cầu thủ năng khiếu, trong đó chú trọng vấn đề thể lực với các giáo án huấn luyện và bài tập giống như trong môi trường quân đội, gồm: 11 chế độ ngày và 3 chế độ tuần.

Cũng bởi rèn luyện trong môi trường quân đội, thực hiện các chế độ, nhiệm vụ như những người lính nên các cầu thủ Viettel FC luôn “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác". Sau nhiều năm kiên trì rèn quân theo phương pháp này, kể từ mùa bóng 2022, Viettel FC tự tin sử dụng nhiều cầu thủ trẻ do họ tự đào tạo ra thay vì dốc tiền mua sắm “bom tấn” như trước đây. Sau thế hệ của những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Chiến, Viettel FC hiện có những tài năng đầy triển vọng đã sớm khẳng định được giá trị, như: Trần Danh Trung, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hữu Thắng, Nhâm Mạnh Dũng.

Trong thể thao, đặc biệt là bóng đá, bản lĩnh thi đấu của mỗi vận động viên có yếu tố quyết định đến sự thành bại của một trận đấu và giải đấu. Câu chuyện trên của Hoàng Đức và Thanh Bình là một bài học cho nhiều cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam trong quá trình rèn luyện và trưởng thành. Trong đời cầu thủ, vấp ngã là chuyện thường, nhưng biết đối mặt với khó khăn để vượt lên chính mình mới là người có bản lĩnh.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/ghe-nong-ban-linh-nguoi-linh-690480