Có một đội bóng nông dân ở N'Thôl Hạ
Là một xã vùng sâu của huyện Đức Trọng với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, đa số người dân làm nông nghiệp nhưng N'Thôl Hạ có phong trào thể dục, thể thao (TDTT) phát triển, đặc biệt là bóng đá. Xã có một câu lạc bộ (CLB) bóng đá với đội bóng vừa đoạt Cúp vô địch Giải Bóng đá 11 người các CLB toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024.
• NHỮNG NÔNG DÂN ĐÁ BÓNG
Đó là CLB Gia Phúc với 25 thành viên, trong đó có 22 cầu thủ, chỉ duy nhất có một cầu thủ là người Kinh, còn lại toàn bộ là người Cil - dân tộc bản địa nơi đây.
Thi đấu nổi bật trong đội hình của đội bóng, Kon Sơ My Kher, 24 tuổi, dù chơi ở vị trí hậu vệ cánh hoặc bó vào trung vệ nhưng với những bước chạy trên sân “nhanh như một con sóc” khi cần vẫn có thể ghi bàn được. Khuôn mặt tươi vui với một nước da sạm nắng rắn rỏi, My Kher nói với tôi rằng vì do anh đi làm vườn, làm rẫy cà phê, đứng ngoài nắng nhiều và cũng vì ham đá bóng chạy đầu trần trên sân đất trong xã cả ngày khi rảnh nên “có nước da như thế”.
My Kher người ở Thôn 2, N’Thôl Hạ, nhà có 3 sào cà phê. Ngoài việc nhà, anh còn đi làm thêm ở ngoài, nhưng rảnh là đi đá bóng. Anh mê đá bóng từ nhỏ, cả ngày lúc có thời gian lại theo các bạn bè ra sân của xã quần với trái bóng. “Chơi ở sân đất cũng được, sân có cỏ cũng được, thỉnh thoảng sân cỏ nhân tạo cũng chơi. Cứ có “kèo” là đi. Cũng có lúc đi làm về mệt quá nhưng thích nên cũng đi. Cũng may là đến giờ chưa bị chấn thương lần nào”, My Kher tươi cười.
Cho đến nay, theo My Kher, anh đã tham dự rất nhiều giải trong đội hình của CLB Bóng đá Gia Phúc, có giải 11 người ở sân lớn nhưng cũng có các giải trên sân 7 người, sân 5 người. “Nhiều huy chương lắm, không tính hết được”, anh nói.
Rất nhiều cái tên khác rất đáng được nhắc đến trong CLB Gia Phúc này. Chẳng hạn như Cil Mup Ny Khen, thi đấu rất hay trong đội hình, được chọn là cầu thủ xuất sắc nhất tại Giải Bóng đá 11 người các CLB tỉnh Lâm Đồng 2024 vừa qua. Hay như Cil Mup Ha Gic, thi đấu 4 trận tại giải bóng đá 11 người cấp tỉnh này, ghi được 6 bàn, giành giải vua phá lưới.
Nhưng có một khuôn mặt rất đáng được nói đến, đó là đội trưởng Kon Sơ My Ser, 26 tuổi. Người thôn Lạch Tông trong xã, My Ser cho biết, anh cũng mê và chơi bóng đá từ nhỏ trên các sân đất của xã. Học hết lớp 12, My Ser chọn đi học bậc cao đẳng ở một trường đào tạo TDTT lớn tại TP Hồ Chí Minh, chuyên về bóng đá. Khi tốt nghiệp, anh về lại nhà, làm rẫy, làm vườn như một nông dân chính hiệu và ngày ngày chơi bóng đá trên sân đất trong xã.
Nhưng với vai trò là đội trưởng của CLB Gia Phúc, My Ser đã phát huy rất tốt kiến thức của anh học từ học đường. Anh tham gia cùng Ban huấn luyện của CLB để sắp xếp các vị trí trên sân tùy theo khả năng sở trường, sở đoản của từng cầu thủ trong đội, trên sân anh là “linh hồn” trong lối chơi của đội khi chỉ huy các đồng đội mình lên xuống một cách nhịp nhàng, khi nào cần tấn công, khi nào cần về phòng thủ.
Với sự chỉ huy của Ban huấn luyện cùng đội trưởng Kon Sơ My Ser, đội bóng CLB Gia Phúc của những nông dân chính hiệu người dân tộc thiểu số xã N’Thôl Hạ đã hầu như chẳng gặp khó khăn nào, thẳng tiến từ vòng bảng đến vòng tứ kết, bán kết của Giải Bóng đá 11 người các CLB toàn tỉnh Lâm Đồng 2024 diễn ra trong tháng 9 vừa qua tại Đà Lạt. Tại trận chung kết, khi gặp đội tuyển TP Đà Lạt với các cầu thủ có tiếng trong bóng đá đường phố được tuyển chọn từ nhiều đội bóng cộng đồng trên địa bàn, đội tuyển của CLB Gia Phúc đã vượt qua bằng một tỷ số 4-2 đầy thuyết phục để giành chiếc cúp vô địch của giải.
• ĐỂ DUY TRÌ PHONG TRÀO BÓNG ĐÁ CỦA XÃ
Một điểm đầy thú vị khi viết về CLB Gia Phúc, với đội bóng đá nông dân ở xã vùng dân tộc N’Thôl Hạ, huyện Đức Trọng này chính là việc ông bầu của CLB chính là… Phó Chủ tịch UBND xã. Đó là ông Lê Bá Dương, sinh 1986, là Phó Chủ tịch UBND xã N’Thôl Hạ trong nhiều năm nay. Là một người con của vùng đất N’Thôl Hạ, ngày nhỏ, ông cũng từng yêu thích bóng đá, chơi bóng đá trên sân đất, từng là Bí thư Đoàn xã và rồi là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa - xã hội hiện nay. Ông Dương thành lập CLB bóng đá mang tên Gia Phúc - tên con của ông, trong năm 2019, chỉ để muốn duy trì phong trào bóng đá vốn từ lâu được coi như một truyền thống, một “đặc sản” của người dân ở vùng đất N’ Thôl Hạ này.
Bí quyết để người dân nơi đây, bao thế hệ lớn lên đều chơi bóng đá, theo ông Dương, chính là việc ở xã hiện diện đến 3 sân bóng đá công cộng. Những sân này đều là sân đất, rộng rãi, có lúc có cỏ mọc mùa mưa, nhưng quanh năm chơi nhiều quá nên thành sân đất. Những khoảnh đất công cộng rộng rãi này như là một chỗ thư giãn cho rất nhiều người và bóng đá được rất nhiều người trẻ trong các thôn nơi đây chọn lựa. “Xã cũng có các sân bóng chuyền, tận dụng các vị trí của các nhà sinh hoạt cộng đồng thôn tại 7 thôn trong xã để làm các sân bóng chuyền, nhưng bóng đá được người dân nơi đây yêu thích và chơi nhiều nhất. Hầu hết các thôn đều có đội bóng đá của mình, có thôn có đến 2 - 3 đội bóng chứ không phải một đội”, ông Dương cho biết.
Hằng năm, tại N’Thôl Hạ có tổ chức 2 giải bóng đá 11 người, một giải chung cho toàn xã và 1 giải dành cho thanh niên dân tộc thiểu số của xã. Các thôn trong xã cũng tổ chức các giải đấu cấp thôn, rồi các đội bóng thôn tổ chức các trận đấu với nhau thường xuyên.
Trong “lịch sử” thi đấu của đội bóng đá phong trào N’Thôl Hạ, đội bóng này từng nhiều lần vô địch giải bóng đá cấp huyện Đức Trọng, từng vô địch giải bóng đá sân lớn 11 người cấp tỉnh, từng đại diện Lâm Đồng thi đấu giải phong trào trong nước tại Huế, giành giải Ba toàn quốc trong năm 1997-1998.
Ông Dương đứng ra thành lập CLB Gia Phúc từ năm 2019 như là một cách tập hợp các thành viên tốt của bóng đá trong xã để duy trì và phát triển phong trào bóng đá chung của xã. “Cần có một người có uy tín và biết bóng đá để làm việc này. CLB không đặt nặng chuyện tiền bạc, chủ yếu vì sự đam mê là chính. Khi có giải thì CLB cũng dễ kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ cho đội hơn”, ông Dương cho biết.
Hiện CLB Gia Phúc có 22 cầu thủ, thêm 3 người trong Ban huấn luyện gồm ông bầu, đội trưởng Kon Sơ My Ser cũng là huấn luyện viên của đội, có thêm trợ lý chuyên môn và trợ lý hậu cần; tuổi của các thành viên trong đội từ 18 - 30. “Toàn bộ là các em trong xã, chỉ có 2 em 18 tuổi còn đi học, còn lại hầu hết là làm vườn cà phê, làm ruộng, làm thuê… chiều về cùng xỏ giày ra sân, hoặc khi có giải là thu xếp để dự. Tất cả chung nhau tình yêu bóng đá. Cũng có vài em trong xã chừng 16 tuổi, chơi rất tốt muốn tham gia nhưng CLB nói các em nên rèn luyện thêm, đợi 18 tuổi thì vào đội dự bị, dần thay thế các đàn anh”, ông Dương nói.
Từ khi thành lập đến nay, CLB Gia Phúc đã từng giành vô địch Cúp bóng đá huyện Đức Trọng, từng tham dự rất nhiều giải trong tỉnh và giải trong nước. Năm ngoái, đội vào đến bán kết Giải Bóng đá 11 người các CLB của tỉnh; còn năm nay, giành cúp vô địch. “Tổng cộng từ năm 2019 đến nay, đội chúng tôi đã giành được 11 chiếc cúp, từ các giải bóng đá 5 người, giải bóng đá 7 người và bóng đá sân lớn 11 người. Với CLB, quan trọng nhất là tinh thần thể thao, duy trì tinh thần đoàn kết trong đội, chia sẻ nhau trong cuộc sống giữa các thành viên trong CLB, giúp đỡ nhau, cùng giúp nhau tìm việc làm thêm cho nhau”, ông Dương nói thêm.
Từ kinh nghiệm của mình trong duy trì và phát triển phong trào thể thao tại N’Thôl Hạ, ông Dương chia sẻ rằng cần có môi trường tốt để bóng đá phong trào có thể phát triển trong vùng dân tộc thiểu số. “Cần phải có sân bóng. N’Thôl Hạ may mắn là còn 3 sân bóng đá công cộng 11 người, như là một chỗ vận động cộng đồng cho mọi người dân trong xã. Cùng đó, cần có sự quan tâm của chính quyền và cả người dân để cùng phát triển phong trào. Cần tổ chức giải hằng năm, nhưng ngân sách nhà nước thường không đủ nên cần có sự chung tay của mọi người, có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để tổ chức giải và cử đội tham dự giải cấp huyện, cấp tỉnh. Việc có mặt một CLB bóng đá như chúng tôi cho đến nay đã có tác dụng rất tốt, tạo động lực cho phong trào bóng đá của xã phát triển”, ông Dương khẳng định.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/the-thao/202410/co-mot-doi-bong-nong-dan-o-nthol-ha-22537b1/