Ghế nóng: Nóng vội

Sau lần đầu tham dự World Cup 2023, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đặt quyết tâm góp mặt ở World Cup 2027. Với bóng đá nam Việt Nam, cột mốc tham dự vòng chung kết World Cup 2026 là khát khao, áp lực và đôi khi khiến những người trong cuộc ám ảnh.

Bởi mục tiêu dài hơi ấy, cả bóng đá nam, nữ Việt Nam tham dự ASIAD 19 với đội hình trẻ hóa, đặc biệt là đội tuyển Olympic Việt Nam có lực lượng hơn 2/3 cầu thủ lứa U.20. Dù giành những kết quả khác nhau nhưng bóng đá nam, nữ Việt Nam đều chịu chung kịch bản không thể vượt qua vòng bảng.

Công cuộc trẻ hóa trong bóng đá là định hướng, mục tiêu cần được chú trọng để chọn lọc, bồi dưỡng những tài năng tốt nhất. Trên thế giới, nhiều cường quốc bóng đá cũng lấy bóng đá trẻ là nền tảng căn cơ để phát triển và nâng tầm đội tuyển quốc gia. Ở châu Á, bóng đá Nhật Bản thường cử những lứa cầu thủ trẻ măng, thậm chí là sinh viên đại học để tranh tài tại những giải đấu lớn. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam, việc tung quân trẻ vào các giải đấu lớn châu lục đã không thu được kết quả như ý, thậm chí phản tác dụng.

 Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn

Hành trình của Olympic Việt Nam tại ASIAD 19 khá giống với câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai năm 2015. Khi ấy, đội tuyển U.19 Việt Nam tạo cơn sốt với màn trình diễn nức lòng người hâm mộ, “bầu” Đoàn Nguyên Đức quyết định để những tài năng Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường thay những cầu thủ kỳ cựu của Hoàng Anh Gia Lai đá V-League. Kết quả, đội bóng phố núi sa sút thảm hại, nhiều tài năng sáng giá đánh mất mình.

Việc tìm kiếm, đào tạo một tài năng trẻ trong bóng đá đã khó, biến những măng non ấy trở thành cầu thủ chất lượng càng khó hơn. Nói quyết định cử lứa trẻ tham dự ASIAD 19 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là tầm nhìn cho mục tiêu lớn cũng đúng, nhưng nhận định là nóng vội cũng không sai. Vì sao các nền bóng đá trên tầm chúng ta như Iran, Saudi Arabia hay Uzbekistan thường cử những cầu thủ tốt nhất tham dự Á vận hội? Tin chắc rằng các đội bóng này cũng muốn học theo bài của Nhật Bản, song họ tự nhận thấy chưa đủ tầm, đủ lực để học theo. Hơn nữa, thứ hạng tốt tại Á vận hội sẽ tạo "cú hích" để phát triển bóng đá nước nhà, giống như cách bóng đá Việt Nam từng hưởng lợi sau khi giành vị trí thứ 4 chung cuộc tại ASIAD 18.

Thất bại liên tiếp của các lứa trẻ tại SEA Games 32 và ASIAD 19 đang khiến niềm tin của người hâm mộ giảm sút. Trách nhiệm của những người làm bóng đá nước nhà, đặc biệt là lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần sớm lấy lại khí thế, niềm tin chiến thắng trong các đội tuyển quốc gia. Trước mắt là loạt trận giao hữu FIFA Days tháng 10-2023, nơi thầy trò huấn luyện viên Troussier đặt quyết tâm đạt kết quả tốt nhằm tạo đà hưng phấn hướng tới vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Lý thuyết là thế, còn thực chiến vốn đang nhiều nỗi lo, trắc trở.

HOÀI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/ghe-nong-nong-voi-745986