Ghé thăm 2 khu vườn cảnh nổi danh trong sử sách Trung Quốc
Vốn là những vườn cảnh nguy nga, tráng lệ nhưng không kém phần lãng mạn, thanh tú của hoàng gia nhà Thanh (Trung Quốc) mỗi khi xuất cung, nhưng đến sau này số phận của hai khu vườn Viên Minh và Di Hòa lại hoàn toàn trái ngược nhau.
Theo lịch sử Trung Quốc, Viên Minh Viên (vườn Viên Minh), ban đầu được gọi là Ngự Viên, là tổ hợp nhiều cung điện và vườn hoa nằm cách thành Bắc Kinh 8 km về phía tây bắc, chủ yếu được xây dựng trong ba đời vua Khang Hi, Ung Chính và Càn Long (1636-1912). Nơi đây được mệnh danh “Vườn của muôn vườn” khi rộng tới 352 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 140 ha, diện tích kiến trúc 140.000 mét vuông, là nơi các hoàng đế nhà Thanh và hoàng tộc nghỉ ngơi, làm việc vào mùa hè. Chính vì thế Viên Minh Viên còn có tên khác là “Hành cung mùa Hè”.

Bản đồ toàn cảnh Viên Minh Viên hiện nay
Sử sách Trung Quốc ghi lại, do vua Khang Hy thường tuần thú phương Nam và rất thích phong cảnh Giang Nam nên đã cho xây dựng ở đây hành cung kiểu Giang Nam gọi là Sướng Xuân Viên, đồng thời đem các khu quanh đó thưởng cho các thân vương. Trong đó có một khu vườn đẹp được vua Khang Hy ban cho Tứ hoàng tử Dận Chân (sau này là vua Ung Chính) và được ban cho tên là Viên Minh.

Khung cảnh Viên Minh Viên đẹp như thiên đường hạ giới
Sau thời vua Ung Chính, thời vua Càn Long tiếp tục mở rộng và đến năm 1744 thì cơ bản hoàn thành với hơn 40 công trình và khu vực lớn nhỏ. Tiêu biểu trong số đó gồm điện Chính Đại Quang Minh, điện Cần Chính Thân Hiền… Xung quanh Viên Minh Viên, Càn Long còn cho xây thêm 2 khu nữa là Trường Xuân Viên và Kỳ Xuân Viên ở phía Đông và phía Nam.

Tranh vẽ Chính Đại Quang Minh – nơi vua tổ chức yến tiệc
Đặc biệt, Viên Minh Viên còn có khoảng 10 công trình mang hơi hướng phương Tây độc đáo xây dựng từ năm 1747 đến năm 1760. Nó bao gồm các tòa nhà mang phong cách Baroque của phương Tây kết hợp với kiến trúc truyền thống của Trung Quốc, được trang trí với các đồ vật và gạch tráng men trên mặt tiền.

Tranh vẽ công trình Hải Yên Đường theo kiến trúc Tây phương
Nhờ sự kỳ công và tráng lệ, Viên Minh Viên được coi là đỉnh cao của nghệ thuật làm vườn Trung Quốc suốt thời gian dài. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Nha phiến lần hai (1860) đã gây hậu quả nặng nề, trong đó có Viên Minh Viên bị biến thành đống đổ nát.

Tàn tích của tòa nhà Hải Yên Đường ở Viên Minh Viên
Đến năm 1900, khu vực Viên Minh Viên lại một lần nữa bị cướp phá và hủy hoại. Từ đó, nơi đây trở thành nơi hoang tàn, trở thành nỗi tiếc nuối lớn trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa.

Viên Minh Viên từ quần thể ngự viên đỉnh cao giờ chỉ còn phế tích
May mắn hơn Viên Minh Viên, Di Hòa Viên đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn mặc dù cũng bị cướp bóc, phá hủy trong chiến tranh. Nguyên nhân là vào thời điểm chiến tranh năm 1860, Di Hòa Viên chưa được xây dựng hoàn chỉnh và lúc đó chưa phải là biểu tượng chính trị của triều đình, nên không bị coi là mục tiêu chính.

Cổng chính vào công viên với tấm biển “Di Hòa Viên”
Di Hòa Viên (Cung điện Mùa hè) còn có tên gọi khác là “Thanh Y Viên” là cung điện được khởi tạo từ vua Càn Long. Sau khi bị phá hoại trong chiến tranh 1860, năm 1886, Từ Hy Thái Hậu cho tu sửa lại, đặt tên là Di Hòa viên, làm nơi nghỉ dưỡng. Di Hòa Viên (nghĩa là "vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa") được coi kiệt tác nghệ thuật với cảnh quan thiên nhiên kết hợp hài hòa kiến trúc cung đình, tạo nên khung cảnh thanh thoát.

Nghệ thuật kiến trúc và trang trí cung đình nhà Thanh tại Di Hòa Viên
Với diện tích khoảng 290 ha, Di Hòa Viên nổi tiếng với hồ Côn Minh thơ mộng, Lạc Thọ đường, núi Vạn Thọ, hành lang dài sơn vẽ tuyệt đẹp, cùng những công trình kiến trúc cổ kính hòa quyện với thiên nhiên.

Thập Thất Khổng Kiều (cầu 17 nhịp) soi bóng xuống hồ Côn Minh
Thuyền đá Thanh Yên là một trong những địa điểm nổi bật tại Di Hòa Viên, mang vẻ đẹp tĩnh lặng và thơ mộng, thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo và vị trí đắc địa.
Nằm ở chân Vạn Thọ Sơn và bên bờ hồ Côn Minh, Thanh Yên gây ấn tượng khi mang kiến trúc phương Tây nhưng hài hòa với những ngôi nhà gỗ truyền thống được xây dựng dọc bờ kênh nhỏ, tạo nên không gian yên bình như một ngôi làng cổ xưa.

Chiếc thuyền bằng đá (Thạch Phảng) mang kiến trúc phương Tây
Điểm nhấn chính trong Di Hòa Viên là Lạc Thọ Đường. Đây từng là nơi ở và sinh hoạt chính của Từ Hy Thái hậu khi tới đây an dưỡng, đọc sách, tiếp các đại thần hoặc quan khách. “Lạc Thọ Đường” có nghĩa là “nơi để sống lâu và an vui”, thể hiện mong muốn trường thọ và thanh thản trong tuổi già của Từ Hy Thái hậu.

Hoa mộc lan nở rộ vào mùa xuân ở Lạc Thọ Đường
Ngoài ra, tòa điện cao nhất trong quần thể lâm viên này là Phật Hương Các trên núi Vạn Thọ. Với chiều cao khoảng 41m, công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển, tạo nên vẻ đẹp vô cùng mỹ lệ. Đây là nơi thờ Phật và tổ chức các nghi lễ tôn giáo của triều đình nhà Thanh, đặc biệt là dành riêng cho Từ Hy Thái hậu và các thành viên hoàng tộc đến lễ bái cầu phúc.

Tòa chính điện Phật Hương Các
Hiện nay, cả Viên Minh Viên và Di Hòa Viên đều mở cửa cho du khách vào tham quan. Tùy vào mùa cao điểm hay thấp điểm mà du khách cân nhắc lựa chọn đặt vé online hoặc mua trực tiếp. Giá vé vào Viên Minh Viên là 25 tệ (khoảng 100.000 VNĐ) còn Di Hòa Viên là 50 tệ (khoảng 200.000 VNĐ). Du khách cần tuân theo các yêu cầu chỉ dẫn về an ninh và ứng xử trong 2 ngự uyển này để có được buổi tham quan trọn vẹn.