Ngày nay, những mặt hàng như đèn ông sao, tò he, mặt nạ giấy bồi, trống cơm... sản xuất công nghiệp được bán tràn lan trên thị trường. Song, tại Thủ đô Hà Nội vẫn còn những người thợ thủ công chế tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi chân thật, giữ bao kỉ niệm tuổi thơ trong dịp Tết Trung thu.
Nằm sâu trong ngõ 73 phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) là nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan - những người thợ chế tạo mặt nạ giấy bồi thủ công duy nhất ở Phố Cổ. Căn nhà nhỏ được luôn tràn ngập những xếp giấy vụn, bút vẽ, hộp sơn tổng hợp các màu, thùng keo… và những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi với nhiều màu sắc, hình dáng phong phú.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công Luận, bà Đặng Hương Lan cho biết: "Nghề chế tạo mặt nạ giấy bồi ở nhà tôi là nghề gia truyền. Tôi học nghề từ lúc hơn 19 tuổi khi đó thấy cha mẹ làm thì tôi bắt đầu học và được chỉ bảo, đến hiện tại tôi làm được 44 năm. Khi mới học nghề thì gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tạo hình, tạo khuôn mặt nạ, tuy nhiên sau thời gian dài được cha mẹ hướng dẫn, cùng với sự tích lũy kinh nghiệm nên tôi đã tiếp cận dần với nghề và sau đó làm thuần thục nghề và có thể tự kiếm sống".
Để làm ra một chiếc mặt nạn giấy bồi thì trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu, thường sử dụng là bột sắn củ (trồng trên đồi), sau khi mua về cạo vỏ sạch sẽ rồi đổ nước lã vào nấu lên khi chín thì thành hồ sắn. Sau đó để nguội thì người thợ thủ công sẽ quét trực tiếp dung dịch hồ sắn vào giấy. Đặc biệt, giấy sử dụng làm mặt nạ thường làm từ giấy đi học, bìa catton mua ở Phố Cổ rồi về ngâm nước, bóc rồi tách ra kết hợp với giấy A4, giấy học sinh, chủ yếu là giấy tái sử dụng để tạo lên một chiếc mặt nạ.
Tiếp theo là công đoạn quét giấy, xé nhỏ rồi bồi dần dần vào trong khuôn có sẵn, khi bồi được 4-5 lượt rồi thì theo tầm tay gấp viền xung quanh và lấy từ khuôn ra rồi đem đi phơi ngoài nắng. Khi mang đi phơi thì đặc biệt không được sấy khô mặt nạ mà phải phơi bằng ánh sáng tự nhiên thì mặt nạ mới không bị biến dạng. Người thợ thường phơi từ sáng tới tối mới khô. Sau khi khô rồi mới chuyển sang vẽ các chi tiết nhỏ trên mặt nạ như lông mày, mũi, mắt... để ra một sản phẩm mặt nạ giấy bồi hoàn thiện đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Dây chun trắng dùng để buộc mặt nạ thường được mua ở Hàng Bồ, về tỉ mẩn cắt ra, ghim chun rồi lồng vào mặt nạ rồi sau đó cho ra một sản phẩm mặt nạ giấy bồi hoàn chỉnh.
"Trung bình hai vợ chồng tôi làm được khoảng 20 sản phẩm/ngày. Đối với những chiếc mặt nạ kích thước nhỏ thì thì làm mất ít thời gian nên cho ra nhiều sản phẩm, còn với những chiếc mặt nạn kích thước lớn như đầu Lân, đầu Sư Tử, con trâu.. thì người thợ sẽ làm mất công hơn", bà Lan cho biết.
Những chiếc mặt nạ giấy bồi sau khi phơi xong sẽ được người thợ vẽ chi tiết nhỏ như mắt, mũi... và sơn một lớp sơn nhỏ lên để ra những màu sắc đa dạng khác nhau đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Khu vực sơn các sản phẩm mặt nạ giấy bồi của vợ chồng ông Hòa bà Lan.
Bà Lan còn tiết lộ, hiện tại nhà bà có khoảng trên dưới 30 hình khuôn mẫu khác nhau, chủ yếu do chồng là ông Nguyễn Văn Hòa tạo và nặn ra, thậm chí có những khuôn có cách đây khoảng 50 đến 60 năm. Ngoài ra, có thể tạo thêm nhiều khuôn mới mà nhiều em nhỏ bây giờ thích. "Hai vợ chồng tôi thường làm mặt nạ truyền thống như thằng Bờm, ông Tễu, Tôn Ngộ Không, Chí Phèo, Thị Nở... ngoài ra có một số mặt nạ mới mà trẻ con nó thích như siêu nhân, mặt nạ người ngoài hành tinh...", bà Lan cho biết.
Những sản phẩm mặt nạ giấy bồi do vợ chồng bà Lan tạo ra đều bán rất chạy, hầu hết đều có mối làm ăn sẵn nên công việc đều đặn hàng ngày. Bà Lan cho biết, do có thương hiệu sẵn rồi nên những tiểu thương sẽ gọi điện đặt hàng, sau khi hoàn thành thì họ sẽ trực tiếp đến lấy hay nhờ đóng hàng đi các tỉnh/thành trên cả nước... Về giá thành sản phẩm thì hiện gia đình bà Lan có gần 20 loại đồng giá 40.000 đồng, loại 50.000 đồng hay 70.000 đồng cũng có, còn loại mặt nạ đắt nhất đội cả đầu thì có giá thành 150.000 đồng.
"Thậm chí có nhiều du khách nước ngoài còn tìm đến để mua hay khám phá về cách chế tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi này. Nhiều du khách họ nhập nguyên mặt nạ trắng để đưa vào môn mỹ thuật tại trường học cho các em nhỏ thực hành.Bởi những chiếc mặt nạ trắng này khi vẽ màu nước vào thì các em nhỏ rất thích và hào hứng, thậm chí còn thích hơn cả tô tượng" - bà Lan cho biết.
So với trước kia thì nghề làm mặt nạ giấy bồi đang ngày một phát triển do được Nhà nước bảo tồn. Ở hiện tại, vợ chồng ông Hòa bà Lan đang là hộ gia đình cuối cùng ở Phố Cổ còn giữ nghề làm mặt nạ thủ công, bởi nghề này của nhà bà là nghề gia truyền, từ đời này truyền sang đời khác thì chính người thợ mới biết tạo ra khuôn, nạn khuôn như thế nào cho đẹp. Theo bà Lan, bình thường như ở Hàng Mã thì toàn đồ hàng nhái, đồ công nghiệp (hàng fake) chỉ có khoảng 6-7 mẫu mã, nhưng mặt nạ giấy bồi ở nhà bà thì có trên 30 mẫu với nhiều hình thù khác nhau. Do vậy, vợ chồng bà luôn tự hào về những sản phẩm do chính đôi tay tài hoa của mình chế tạo ra.
Gắn bó với nghề gia truyền đến nay đã hơn 40 năm, song ở hiện tại ông Hòa bà Lan lại là những người cuối cùng trong gia đình còn giữ được nghề này. Bởi thế hệ con cháu đa phần đều theo nghề khác, người theo ngành y, người theo ngành dược... Bởi nghề làm mặt nạ giấy bồi này đem lại thu nhập thấp và thời buổi hiện tại không hợp với thế hệ trẻ, xã hội ngày càng phát triển thì có rất nhiều nghề dễ kiếm tiền hơn.
"Hiện có một bạn là giám đốc làng nghề Việt Nam đang theo học nghề của vợ chồng tôi hơn chục năm nay. Sau này khi chúng tôi về già không còn khả năng tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi nữa thì sẽ truyền nghề cho bạn này để giữ nghề truyền thống của gia đình và cũng là nghề truyền thống của người Việt", bà Lan tiết lộ.