Ghềnh Nam Ô 'bay khỏi' dự án 5 sao: Đã có tiếng nói chung
Sau khoảng thời gian dài có nhiều vướng mắc, dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô sắp được 'sống lại', nhờ giữa chính quyền và chủ đầu tư đã tìm được tiếng nói chung.
Ngày 12/9, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng cho biết, liên quan đến dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, Lancaster Nam Ô resort, quận Liên Chiểu, sau thời gian dài vướng mắc, sắp tới sẽ sớm triển khai.
Lý do được nêu ra là phía chính quyền và doanh nghiệp đã có “tiếng nói chung” về phương án cuối cùng, nhằm đảm bảo các quy định pháp luật lẫn lợi ích cộng đồng, gắn liền quy hoạch xây dựng lại Làng nghề Nam Ô.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, đã có đề xuất phương án quản lý bảo vệ ghềnh Nam Ô gửi UBND TP.Đà Nẵng.
Theo đó, dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô được UBND TP.Đà Nẵng chính thức phê duyệt quy hoạch giao cho công ty Cổ phần Trung Thủy thực hiện vào năm 2010 và điều chỉnh quy hoạch 2014, trong đó, có ghềnh đá Nam Ô.
Đến nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. UBND TP.Đà Nẵng đã giao UBND quận Liên Chiểu đề xuất phương án quản lý ghềnh Nam Ô đảm bảo môi trường, hiệu quả và báo cáo cho UBND xem xét, quyết định.
Vị Phó chủ tịch quận cho rằng, chủ trương tách ghềnh ra khỏi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần giải trí của cộng đồng hiện nay là đúng.
Việc này sẽ hạn chế tối đa sự tác động của con người đến hệ sinh thái ghềnh Nam Ô, chấm dứt tình trạng kinh doanh, buôn bán tự phát, nhằm giữ gìn, bảo tồn hệ động vật trên ghềnh đá Nam Ô, phát triển thêm mảng xanh cho thành phố.
Kinh phí phục vụ duy tu ghềnh Nam Ô dự kiến khoảng 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí thường xuyên phục vụ cho việc duy trì hoạt động và bảo vệ an ninh trật tự ghềnh mỗi tháng khoảng 500 triệu đồng, mục đích phục vụ không thu phí, nên nguồn ngân sách khó khăn hiện nay, UBND quận khó đảm đương được.
Trong thời gian chờ thành phố có quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án, tách ghềnh ra khỏi ranh giới dự án.
UBND quận sẽ tham khảo và kêu gọi xã hội hóa đối với một số đơn vị có tâm nguyện phục vụ cộng đồng thỏa mãn các nguyên tắc tự nguyện, không bán vé thu phí, tự túc kinh phí đảm bảo các điều kiện quản lý và đầu tư kinh phí như phương án quản lý bảo vệ và Ban dự trù kinh phí của UBND quận đề xuất.
Nếu được sự cho phép về chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng, UBND quận Liên Chiểu sẽ báo cáo đề xuất chính thức đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ ghềnh trong thời gian sớm nhất.
Ông Nhường cho rằng, trách nhiệm của đơn vị quản lý ghềnh phải đảm bảo xây dựng và duy tu, bảo dưỡng.
Dọn dẹp rác thải, lá khô, cỏ khô đề phòng chống nguy cơ cháy rừng, đảm bảo vệ sinh cho ghềnh và khu vực xunh quanh ghềnh, bố trí các thiết bị, dụng cụ phòng chữa cháy tại một số vị trí phù hợp để kịp thời xử lý đám cháy khi phát hiện.
Lắp đặt thùng rác tại các vị trí thích hợp, mỹ quan và thuận tiên trên ghềnh và khu vực xung quanh ghềnh.
Đơn vị quản lý ghềnh phải trồng thêm cây xanh, chăm sóc cây sẵn có, dọn dẹp cỏ dại nhằm tôn tạo cảnh quan cho ghềnh đảm bảo xanh, sạch, đẹp; đảo bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách và duy trì cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái của ghềnh.
Cắm bảng hướng dẫn lối đi trên ghềnh và bố trí một vài trạm dừng chân để du khách thuận tiện di chuyển, dừng chân nghỉ ngơi.
Một trong những vấn đề được người dân quan tâm, đơn vị quản lý phải tôn tạo miếu thờ trên ghềnh tạo thành nơi cầu nguyện tâm linh cho người dân làng Nam Ô, được sự đồng ý của dân làng và có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đơn vị cũng phải bố trí một số nhà vệ sinh công cộng di động trên ghềnh để giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường ghềnh. Bố trí một số chòi vọng cảnh bằng gỗ để cho người dân và du khách có thể tham quan trên cao.
Thành lập đội cứu hộ, cứu nạn để kịp thời phối hợp với địa phương ứng cứu khi có sự cố xảy ra trong khu vực ghềnh.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng Giám đốc công ty Trung Thủy cho biết, phía công ty luôn muốn được tiếp tục dự án này.
Trong trường hợp ghềnh Nam Ô được tách ra khỏi dự án thì phía công ty mong muốn được quản lý, tự bỏ kinh phí phục vụ duy tu ghềnh Nam Ô và cam kết sẽ đầu tư để đảm bảo lợi ích cộng đồng.
“Làng nước mắm Nam Ô vừa được bộ VHTTDL đưa vào danh sách công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó, mong muốn của chúng tôi là sẽ góp phần giữ gìn, quảng bá sản phẩm này để thương hiệu của địa phương phát triển hơn”, bà Tuyết chia sẻ.
Trước đó, Người Đưa Tin đã phản ánh, năm 2018, hàng trăm người dân đã tập trung phản đối khi công ty Trung Thủy dùng hàng rào sắt ngăn người dân xuống biển. Sau đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã thị sát và chỉ đạo tháo dỡ hàng rào sắt.
Sau đó, Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng, đã yêu cầu điều chỉnh lại quy hoạch của dự án. Đến 17/12/2018, Thường trực Thành ủy TP.Đà Nẵng đã thông qua quy hoạch điều chỉnh dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô có nhiều thay đổi.
Theo đó, ghềnh Nam Ô được đưa ra khỏi dự án. Chủ đầu tư phải đầu tư mở rộng đường dân sinh, lối xuống biển, giữ nguyên hiện trạng không được san lấp, cải tạo lại sân bóng…
Theo lời giới thiệu của công ty Cổ phần Trung Thủy, dự án này có tên là Lancaster Nam Ô resort. Dự án có diện tích xây dựng gần 367.000m2 với các tiện ích khách sạn sang trọng, biệt thự ven biển, spa, hồ bơi và các hoạt động giải trí thể thao trên biển.