Ghép tạng giúp cứu sống hàng trăm ngàn người

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu

Ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của lĩnh vực y học, giúp kéo dài và cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn bệnh nhân trên toàn thế giới.

TS-BS DƯ THỊ NGỌC THU, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), nhấn mạnh yêu cầu quan trọng nhất trong hiến và ghép tạng là phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Nguồn tạng hiến còn khiêm tốn

* Thưa bà, khó khăn lớn nhất của ghép tạng tại Việt Nam hiện nay là gì?

- Đó là thiếu nguồn tạng hiến. Theo thống kê, 96% số ca ghép tạng hiện nay là từ người hiến sống, còn nguồn hiến từ người chết não chỉ chiếm 4%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 40-90% ở các nước phát triển. Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhận thức xã hội về hiến tạng còn hạn chế. Nhiều người dân chưa hiểu rõ giá trị nhân văn của việc hiến tạng; đồng thời, bị chi phối bởi tâm lý e ngại, quan niệm truyền thống và thiếu thông tin đầy đủ.

* Vậy vai trò của điều phối viên trong vấn đề cho và nhận tạng hiến ra sao?

- Để phát triển chương trình hiến và ghép tạng từ người hiến chết (chết não hay chết tuần hoàn hay tim ngừng đập) bảo đảm tính minh bạch và công bằng, trên thế giới, chỉ riêng người hiến tạng thì có 5 nhánh điều phối viên khác nhau với sự phân chia trách nhiệm riêng biệt. Các điều phối viên khi làm việc phải có kế hoạch, quy trình rõ ràng và cực kỳ tế nhị. Trong đó, nhánh điều phối của hồi sức tích cực có nhiệm vụ tiếp cận, hỏi xin gia đình người bệnh chết não hay chết tuần hoàn về hiến tạng. Tiếp đó là điều phối tiếp nhận người đăng ký hiến tạng; điều phối thông tin truyền thông; điều phối bảo quản tạng hiến, vận chuyển mô - tạng hiến.

Do là vấn đề tế nhị, truyền thông trong lĩnh vực hiến tạng từ người hiến chết cần phải có kỹ năng riêng như: truyền thông vào lúc nào, gia đình có đồng ý truyền thông hay không? Truyền thông trong hiến - ghép tạng phải không có tên, bởi nguyên tắc đã được quy định trên toàn cầu là người hiến, gia đình người hiến và người nhận tạng không được biết nhau vì những lý do sâu xa trong tương lai.

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ kinh nghiệm về ghép tạng với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ kinh nghiệm về ghép tạng với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

* Bà nghĩ sao về tình trạng mua bán tạng ở các thị trường “chợ đen”?

- Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có đến 5-10% số ca ghép tạng trên toàn thế giới sử dụng tạng của thị trường “chợ đen”. Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn, bởi thị trường “chợ đen” nhận được lợi ích rất lớn từ việc mua bán tạng.

Trong ghép tạng, ngoài vấn đề đạo đức thì pháp lý là điều cực kỳ quan trọng. Tại Hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế thế giới ngày 30-5-2024, các quốc gia thành viên cam kết đưa vào hệ thống chăm sóc sức khỏe những hoạt động hiến và ghép tạng để phát triển chương trình hiến tạng khi chết, hạn chế hiến tạng khi còn sống, bảo vệ người hiến sống khỏi bị bóc lột, được chăm sóc, theo dõi phù hợp. Tuyên ngôn Istanbul ra đời năm 2004 đã kêu gọi các quốc gia thành viên bảo vệ những nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương khỏi vấn đề “du lịch ghép tạng” và buôn bán mô tạng.

Chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết

* Tại Việt Nam đã có những quy định gì liên quan đến vấn đề hiến - ghép tạng, thưa bà?

- Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hiến tặng, điều phối, cấy ghép mô, tạng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm chăm sóc người sau hiến tạng. Đặc biệt, Chiến dịch Đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người - Cho đi là còn mãi do Thủ tướng Chính phủ phát động hồi tháng 5-2024 đã tạo được hiệu ứng tích cực. Đến nay, đã có trên 100 ngàn người đăng ký hiến tạng.

Trên trang web dieuphoigheptangtphochiminh/solieuthongke, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận trên 1,1 ngàn người đăng ký chờ ghép thận, 23 người chờ ghép tim, 15 người chờ ghép gan, 1 người chờ ghép chi thể.

* Chúng ta cần chuẩn bị những gì để ghép tạng đạt mục tiêu đề ra?

- Ghép tạng phải được thực hiện với mục tiêu đảm bảo chăm sóc và điều trị bệnh, không vi phạm y đức, không vi phạm pháp luật, phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong tuyển chọn và điều phối tạng hiến. Đây là yêu cầu bắt buộc chúng ta phải thực hiện. Riêng vấn đề chuyên môn, tất cả nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy và ghép tạng phải được đào tạo chuyên biệt, cao hơn một bậc so với những bác sĩ làm việc bình thường khác.

* Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dự kiến sẽ triển khai ghép thận vào năm 2025. Bà nhận định như thế nào về tiềm năng ghép tạng của bệnh viện?

- Năm 2018, chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện thành công ca nhận được mô - tạng của người chết não ghép thành công cho 5 bệnh nhân trên danh sách chờ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao khác. Để triển khai tốt ghép tạng, bên cạnh những việc đã làm được, bệnh viện cần tập trung hơn nữa vào vấn đề đào tạo nhân lực và có quy trình làm việc chặt chẽ hơn. Nếu chúng ta tận dụng được nguồn mô tạng hiến của người bệnh, sẽ có rất nhiều bệnh nhân khác được cứu sống, giải quyết được vấn đề mua bán tạng “chợ đen”, bệnh nhân sẽ an tâm hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí, an ninh trật tự được đảm bảo.

* Xin cảm ơn bà!

Hạnh Dung (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202412/ghep-tang-giup-cuu-song-hang-tram-ngan-nguoi-4e46c89/