Ghi âm, ghi hình lén không được xem là cơ sở để khiếu nại, tố cáo

Nhiều chuyên gia nêu ý kiến rằng việc ghi âm lén không được xem là cơ sở để khiếu nại, tố cáo; tòa án được quyền hủy bỏ văn bản dưới luật trái pháp luật...

Ngày 15-4, Đoàn đại biểu quốc hội tổ chức Hội thảo Góp ý Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi.

Ghi âm lén không được xem là cơ sở khiếu nại, tố cáo

Theo Luật sư (LS) Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP.HCM), khoản 1 Điều 141 Dự án luật quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên được tham dự phiên tòa xét xử công khai. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa án triệu tập.

Cần làm rõ người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án nhưng có được vào phạm vi trụ sở tòa án hay không. Vì có một số trường hợp người đến tham gia phiên tòa dẫn trẻ dưới 16 tuổi theo nhưng bảo vệ không cho vào trụ sở.

 Toàn cảnh hội thảo Góp ý Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi. Ảnh: SONG MAI

Toàn cảnh hội thảo Góp ý Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi. Ảnh: SONG MAI

LS Hòa cũng nêu hiện trạng nhiều trường hợp sau phiên xét xử, đương sự mang bản ghi âm lén (ghi âm khi không được cho phép) để đi thưa kiện thẩm phán. Trong khi đó, khoản 3 Điều 141 dự thảo quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp..".

Như vậy, cần quy định, đối với trường hợp đương sự ghi âm, ghi hình lén thì băng ghi âm, ghi hình lén đó không được sử dụng làm căn cứ để khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

 Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: SONG MAI

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: SONG MAI

LS Hòa cũng tán thành quy định tại khoản 3 Điều 11 dự thảo luật về việc "không điều tra, thanh tra đối với thẩm phán, hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng; chỉ điều tra khi có căn cứ xác định thẩm phán, hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong giải quyết vụ việc đó".

"Chức danh thẩm phán là chức danh cao quý và danh dự. Do đó, phải đến một mức độ và căn cứ nào đó thì mới được thanh tra, kiểm tra để thẩm phán mạnh dạn trong việc làm của mình" - LS Hòa nhận định.

Tòa án được quyền hủy bỏ văn bản dưới luật trái luật

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Ung Thị Xuân Hương phát biểu: Điểm d khoản 2 Điều 3 dự thảo luật quy định tòa án có quyền “Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật”. Như vậy, dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở mức độ “Phát hiện, kiến nghị”.

 Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Ung Thị Xuân Hương. Ảnh: SONG MAI

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Ung Thị Xuân Hương. Ảnh: SONG MAI

Bà Hương cho rằng để tòa án thực sự thực hiện quyền tư pháp có hiệu quả, cần bổ sung nhiệm vụ của tòa án “xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật”. Vì hiện nay quy trình rà soát, kiểm tra văn bản được thực hiện tương đối khép kín trong nội bộ cơ quan hành pháp mà chưa có sự kiểm soát từ các cơ quan tư pháp.

Do đó việc đề xuất bổ sung việc tòa án có thẩm quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV QH theo quy định của luật.

Cụ thể, đối với những văn bản luật, nghị quyết của QH, UBTVQH thì tòa án chỉ phát hiện, kiến nghị. Các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định… của các bộ, ngành trái luật ảnh hưởng quyền lợi người dân thì tòa án cần xem xét và hủy bỏ.

Nên bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của tòa

Bà Ung Thị Xuân Hương thống nhất việc bỏ quyền khởi tố vụ án của tòa án vì đây là chức năng của cơ quan điều tra, cơ quan công tố. Tòa án là cơ quan xét xử nên việc khởi tố vụ án chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi; có thể ảnh hưởng đến sự vô tư, khách quan trong quá trình xét xử.

Đại diện VKSND TP.HCM cũng đồng tình với quan điểm của bà Ung Thị Xuân Hương. Bởi lẽ việc bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của tòa án góp phần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Trường hợp thiếu chứng cứ thì tòa án trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung; nếu phát hiện bỏ lọt tội phạm thì tòa án yêu cầu VKS khởi tố vụ án.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ghi-am-ghi-hinh-len-khong-duoc-xem-la-co-so-de-khieu-nai-to-cao-post785711.html