'Ghi điểm' thu xuất nhập khẩu, bí quyết của Quảng Ninh là gì?
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng hàng năm.
Điểm sáng thu xuất nhập khẩu
Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 năm rưỡi (giai đoạn 2021 - 6 tháng đầu năm 2023) ước đạt 6.784 triệu USD, tăng bình quân 9,7%/năm (vượt chỉ tiêu Chương trình hành động số 01-CTR/TU đề ra, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 5-7%/năm).
Một số mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng. Đơn cử như: Than các loại xuất khẩu 2 năm rưỡi ước đạt 740 triệu USD, tăng bình quân 5,18%; Xi măng ước đạt 203 triệu USD, tăng bình quân 25,8%; Thủy sản ước đạt 42 triệu USD, tăng bình quân 2,17%; Quần áo ước đạt 406 triệu USD, tăng bình quân 40,9%; Dầu thực vật ước đạt 16 triệu USD, tăng bình quân 10,5%...
Cũng trong 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước tại Quảng Ninh ước đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 52% dự toán tỉnh giao, bằng 101% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 21.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt gần 7.000 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng, đưa Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố top đầu về thu ngân sách.
Với số thu xuất nhập khẩu đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ 2022, đạt 60% chỉ tiêu điều hành năm 2022, đạt 126% kịch bản đề ra 6 tháng đầu năm. Hải quan Quảng Ninh cũng trở thành đơn vị hải quan duy nhất trong cả nước có số thu ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ năm 2022, đạt chỉ tiêu cao và vượt tiến độ đề ra 6 tháng đầu năm 2023.
Sở Công Thương Quảng Ninh thông tin, trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng hàng năm.
Nguyên nhân do Quảng Ninh thực hiện có hiệu quả việc phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, duy trì được hoạt động sản xuất, nguồn cung ứng nguyên, nhiên vật liệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Quảng Ninh luôn duy trì ổn định và thực hiện có hiệu quả “vùng xanh an toàn” tại các cửa khẩu, lối mở để đảm bảo hoạt động giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đứt gẫy.
Các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, tìm kiếm đối tác, thị trường mới thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Song song với đó, tỉnh luôn nỗ lực tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các cửa khẩu cũng chủ động triển khai các giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Móng Cái, Chi cục Hải quan Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp giữ chân doanh nghiệp cũ, thu hút doanh nghiệp mới, tạo nguồn thu bền vững và phát triển kinh tế địa phương.
Hay tại Hòn Gai, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai đã xây dựng kế hoạch và kịch bản thu ngân sách phù hợp với tình tình thực tế của đơn vị để triển khai thực hiện.
Trong đó, Chi cục chia nhóm phụ trách doanh nghiệp theo 5 ngành hàng: Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nhóm doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị mỏ; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện vận tải; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông lâm thủy hải sản, để tạo thế chủ động trong trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp.
Chi cục đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, dễ thực hiện và giảm thời gian thông quan, chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan.
Còn tại Hoành Mô, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập khẩu; duy trì nghiêm các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch theo các quy định của Bộ Y tế và từ phía Trung Quốc; tập trung kiểm tra, rà soát các tờ khai luồng xanh, tờ khai có C/O, hàng hóa phân loại và chủ động thu thập thông tin, phối hợp giữa các khâu nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan.
Thời gian tới, để hoạt động xuất nhập khẩu bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh quảng Ninh tiếp tục quan tâm thu hút, tạo điều kiện cũng như giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các nhà đầu tư xây dựng dự án kho, bãi trên địa bàn, các khu logistics tại Khu Kinh tế cửa khẩu (Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh, Móng Cái) theo Quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt để đảm bảo các dự án được thực hiện theo đúng tiến độ, tương xứng với quy mô, công suất hoạt động cửa khẩu, lối mở; nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường để phương tiện vận tải di chuyển kết nối từ khu vực cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh với các khu logistics, địa điểm kiểm tra hàng hóa, kho ngoại quan…
Song song với đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch, mở rộng phạm vi cửa khẩu đối với cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (cầu Bắc Luân II) đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy mạnh công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng logistics, cảng cạn ICD và cửa hàng miễn thuế trên địa bàn.
Năm 2023 này, Quảng Ninh phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng, trong đó, số thu xuất nhập khẩu đạt trên 12.000 tỷ đồng.
Với những tín hiệu đáng mừng nửa đầu năm, tin tưởng rằng, mục tiêu thu xuất nhập khẩu của toàn tỉnh sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.