Ghi nhận 61.799 ca mắc sốt xuất huyết, muỗi gây bệnh này có thể bay xa bao nhiêu?

Theo thống kê tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 61.799 ca mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc giảm 61,7%, tử vong giảm 75 ca. Tuy nhiên những tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng.

Trên cả nước số ca mắc sốt xuất huyết và ca tử vong do sốt xuất huyết giảm, nhưng tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 11 - 18/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 996 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 234 ca so với tuần trước đó). Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Hoàng Mai (103 ca), Thanh Trì (73 ca), Thạch Thất (63 ca), Bắc Từ Liêm (55 ca), Hà Đông (55 ca), Phú Xuyên (51 ca), Cầu Giấy (50 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 472/579 xã, phường, thị trấn.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch trong tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cụ thể, tại các ổ dịch thôn Hòa Bình - xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất chỉ số BI=20; thôn Vĩnh Ninh - xã Vĩnh Quỳnh - huyện Thanh Trì (BI=35); phường Dịch Vọng Hậu - quận Cầu Giấy (BI=50)… Dự báo, thời gian tới, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ TW hỗ trợ Hà Nội giám sát nguồn lây sốt xuất huyết.

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ TW hỗ trợ Hà Nội giám sát nguồn lây sốt xuất huyết.

Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng, Cục Y tế dự phòng mới đây đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ TW cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội.

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống chiều 23/8, TS Vũ Trọng Dược - Trưởng Văn phòng sốt xuất huyết phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho hay, theo như ghi nhận, trong những tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực miền Bắc đang có chiều hướng gia tăng như tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh...

Tuy nhiên, tại Hà Nội số ca tăng được ghi nhận mạnh nhất. Đây vừa là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực, vì thông thường Hà Nội cũng như các tỉnh của khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10, ngoài ra năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, làm phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh hơn.

Ngoài ra, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông đúc làm cho muỗi dễ phát tán virus Dengue hơn. Nếu như có muỗi nhiễm virus thì sẽ có 'điều kiện' lây lan mạnh hơn các khu vực khác.

Về sự phát tán, bay xa của muỗi gây sốt xuất huyết, TS Dược cho biết thêm: "Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu muỗi sốt xuất huyết sinh sống ở trong khu vực đô thị, dân cư đông đúc thì có thể bay xa khoảng 150- 200m, vì thế khi ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khu vực đô thị, chúng tôi thường khuyến cáo cần giám sát, điều tra và xử lý dụng cụ chứa nước thật tốt trong bán kính 200 m kể từ nhà bệnh nhân".

Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, trong văn bản mới đây gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Cục Y tế dự phòng cho biết, số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây. Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Do đó, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Cùng đó, các tỉnh, thành cần củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời; Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ghi-nhan-61799-ca-mac-sot-xuat-huyet-muoi-gay-benh-nay-co-the-bay-xa-bao-nhieu-169230823171503482.htm