Ghi nhận những thành tựu quyền con người của Việt Nam
Những thành tựu trong việc thực hiện các cam kết về quyền con người, quyền công dân của Việt Nam đã được Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao.
Một cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn và xây dựng về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) giữa đại diện của Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã diễn ra tại Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR. Đoàn Việt Nam tham gia phiên họp tổ chức trong hai ngày 11 và 12-3, tại Geneva (Thụy Sĩ) này gồm 20 thành viên là đại diện của 11 cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các nội dung của Công ước ICCPR do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn.
ICCPR là một trong những công ước quốc tế quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân trên thế giới. Kể từ khi gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24-9-1982 tới cuộc đối thoại này, Việt Nam đã 3 lần nộp cũng như tiến hành đối thoại về Báo cáo quốc gia, trong đó thể hiện việc ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người.
Những thành tựu ấy không chỉ được thể hiện trong những bản báo cáo mà quan trọng hơn là thấy rất rõ trong thực tiễn tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Từ một đất nước nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề và bị bao vây cấm vận hà khắc, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị.
Tiếp thu các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền, Việt Nam ngày càng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong giai đoạn này, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực.
Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quyền con người, quyền công dân đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, để về cơ bản đã ghi nhận hầu hết các quyền dân sự và chính trị; các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam và đã từng bước được đưa vào cuộc sống để người dân được thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. Những thành tựu cả về lập pháp và tổ chức thi hành pháp luật là yếu tố đảm bảo quan trọng về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.
Tại Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã đánh giá cao việc tham gia và đối thoại của đoàn Việt Nam tại phiên họp. Các thành viên Ủy ban Nhân quyền cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR, đồng thời tin tưởng rằng với cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực không ngừng, Việt Nam tiếp tục bảo vệ và phát huy ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân.