Ghi nhận ở Congo - tâm điểm dịch đậu mùa khỉ toàn cầu

Cộng hòa Dân chủ Congo là tâm dịch của đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ (mpox) mà Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vào tháng trước. Tại nước này, nhiều bệnh viện quá tải do phải vật lộn với tình trạng thiếu thuốc men và thiếu không gian để tiếp nhận dòng người đổ về.

Bệnh nhân điều trị tại đậu mùa khỉ tại lều cách ly của bệnh viện Kavumu ở vùng Kabare, tỉnh Nam Kivu thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 29-8-2024

Bệnh nhân điều trị tại đậu mùa khỉ tại lều cách ly của bệnh viện Kavumu ở vùng Kabare, tỉnh Nam Kivu thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 29-8-2024

Tại khu phức hợp bệnh viện ở thị trấn Kavumu, tỉnh Nam Kivu, nơi đã tiếp nhận 900 bệnh nhân có triệu chứng trong 3 tháng qua, các nhân viên y tế đang rất cần sự hỗ trợ. Tuần trước, 135 bệnh nhân trong khoa điều trị mpox, gồm cả trẻ em và người lớn, chen chúc trong 3 chiếc lều nhựa lớn dựng trên nền đất ẩm ướt không có mái che. Những người thân thường mang đồ ăn cho các bệnh nhân tại các cơ sở công cộng thiếu kinh phí như bệnh viện Kavumu, tuy nhiên, họ đã bị cấm đến Khoa Mpox để tránh nguy cơ lây nhiễm. “Chúng tôi không có gì để ăn. Khi đề nghị thuốc để hạ sốt cho bệnh nhi, họ không cho chúng tôi bất cứ thứ gì”, cô Nzigire Lukangira, 32 tuổi, đang chăm con nằm viện cho biết.

Mpox gây ra các triệu chứng giống cúm và các tổn thương chứa mủ, mặc dù thường nhẹ nhưng có thể gây tử vong. Trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ biến chứng cao hơn. Giống như những bà mẹ khác trong Khoa Mpox của bệnh viện Kavumu, Lukangira đã sử dụng các biện pháp khắc phục truyền thống để làm dịu cơn đau của con mình. Họ nhúng ngón tay vào kali bicarbonate hoặc nước chanh muối rồi chọc vỡ các mụn nước. Bệnh nhân trưởng thành cũng tự làm như vậy.

Vaccine sẽ có trong vài ngày tới để chống lại chủng virus mới, trong khi Tổng thống Congo Felix Tshisekedi đã cho phép giải ngân 10 triệu USD đầu tiên để chống lại đợt bùng phát này. Bà Cris Kacita, Trưởng nhóm ứng phó với dịch mpox của Congo thừa nhận rằng, một số vùng của quốc gia Trung Phi rộng lớn này thiếu thuốc men và việc điều phối hàng viện trợ, trong đó 115 tấn thuốc từ Ngân hàng Thế giới, là ưu tiên hàng đầu. Theo bà Kacita, những người tiếp xúc có nguy cơ cao và chín khu vực ưu tiên đã được xác định cho giai đoạn tiêm chủng đầu tiên.

Biến thể mới đang lưu hành ở Congo - nhóm Ib - có những thay đổi về mặt di truyền có liên quan đến quá trình lây truyền từ người sang người kéo dài, được cho là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát hiện tại ở Congo và Đông Phi. Theo Bộ Y tế Congo, kể từ đầu năm đến ngày 31-8, đã có 19.710 trường hợp nghi ngờ mắc mpox được báo cáo. Trong số đó, 5.041 trường hợp đã được xác nhận và 655 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 39% tổng số ca mắc, và bệnh nhân nhỏ nhất chỉ mới 2 tuần tuổi.

Tại sao dịch bệnh ở Congo lại ảnh hưởng đến trẻ em nghiêm trọng như vậy? Do xung đột, bất ổn chính trị và mất an ninh, phần lớn quốc gia Trung Phi này không có đủ điều kiện để xây dựng hệ thống y tế ổn định và bền vững. Do đó, rất khó để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm như mpox. Ngoài ra, trẻ em ở bất kỳ bối cảnh bùng phát nào cũng dễ bị tổn thương do hệ thống miễn dịch của chúng chưa trưởng thành và vẫn đang phát triển, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Nhưng trẻ em châu Phi nói chung và Congo nói riêng dễ nhiễm virus đậu mùa khỉ hơn nhiều so với trẻ em ở những nơi khác bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố: sống ở một quốc gia mà bệnh mpox luôn hiện diện, tiếp xúc với động vật có virus sẵn và không được hưởng lợi từ vaccine.

Vaccine đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh mpox, nhưng vaccine này đã bị ngừng sản xuất vào năm 1980 sau khi bệnh đậu mùa được xóa sổ, vì vậy bất kỳ ai sinh ra sau đó ở Congo hoặc các quốc gia châu Phi khác đều không được tiêm vaccine phòng bệnh mpox. Trẻ em châu Phi cũng thiếu vaccine thường quy để bảo vệ khỏi các bệnh khác như sởi, thủy đậu, viêm màng não hoặc bại liệt. Một khi nhiễm virus, chúng có thể mắc nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc nên dễ bị tổn thương hơn. Vì thế, điều quan trọng nhất để cải thiện tình trạng hiện nay là tiêm chủng, tăng cường dinh dưỡng và phòng ngừa nhiễm trùng thứ phát cho trẻ em.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ghi-nhan-o-congo-tam-diem-dich-dau-mua-khi-toan-cau-post588065.antd