Ghi nhận từ công tác kiểm kê di tích

Để kịp thời nắm bắt số lượng, thay đổi địa danh, loại hình, thực trạng di tích, thống nhất cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, từ tháng 3/2019 – 4/2022, Bảo tàng tỉnh phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm kê di tích tại 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có 1.658 di tích (chưa được xếp hạng) được đoàn kiểm kê lập phiếu.

Để kịp thời nắm bắt số lượng, thay đổi địa danh, loại hình, thực trạng di tích, thống nhất cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, từ tháng 3/2019 – 4/2022, Bảo tàng tỉnh phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm kê di tích tại 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có 1.658 di tích (chưa được xếp hạng) được đoàn kiểm kê lập phiếu.

Sau khi hoàn thành công tác kiểm kê, toàn tỉnh Hà Nam có tổng số 1.888 di tích, tăng 104 di tích so với đợt kiểm kê giai đoạn 2002 – 2004. Trong đó, huyện Bình Lục có số lượng di tích nhiều nhất với 463 di tích; huyện Kim Bảng có số lượng di tích ít nhất với 196 di tích. Các loại hình di tích đa dạng và phong phú: đình, đền, chùa, miếu, phủ, nhà thờ họ, từ đường, lăng mộ, văn chỉ, quán, sinh từ, đàn, điện thờ, điếm, nghè, từ, dinh, thái ấp và các loại hình khác.

Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Qua số liệu thống kê cho thấy, Hà Nam so với các tỉnh trong khu vực và cả nước là tỉnh có số lượng di tích khá lớn, mật độ tương đối dày, đa dạng về loại hình, trong đó các loại di tích đình, đền, chùa chiếm số lượng lớn, có quy mô kiến trúc bề thế hơn so với các di tích khác. Đặc biệt, qua các đợt điền dã, khảo sát còn phát hiện thêm một số di tích, dấu tích có lịch sử lâu đời liên quan đến thời tiền sử, sơ sử, thời Lý, Trần. Còn lại phần lớn các di tích được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX – thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trong đó, có nhiều di tích tiêu biểu liên quan mật thiết đến lịch sử cách mạng, kháng chiến của tỉnh.

Thông tin giới thiệu về Bia chùa Giàu tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Thông tin giới thiệu về Bia chùa Giàu tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Trong tổng số di tích kiểm kê giai đoạn 2019 – 2022 (trừ các di tích đã được xếp hạng) thì số di tích hội tụ đủ các tiêu chí và điều kiện cần thiết để đưa vào kế hoạch xếp hạng trong những năm tới trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 190 di tích có thể đưa vào kế hoạch xếp hạng. Đi cùng với di tích là hiện vật, đồ thờ phong phú chủng loại như bia, chuông, khánh, hương án, kiệu, khám thờ, câu đối, đại tự, tượng, ngai thờ, thần phả, sắc phong có niên đại từ thời Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, phong tục, tập quán địa phương. Tính đến tháng 9/2023, tỉnh Hà Nam có 3 bảo vật quốc gia được công nhận: Bia Sùng Thiện Diên Linh, Bia chùa Giàu, Trống đồng Tiên Nội I. Trong số hàng nghìn các đồ thờ, hiện vật tại các di tích vừa kiểm kê có 6 hiện vật tiêu biểu có thể xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu, đề xuất với tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia trong những năm tới. Đó là, Bộ tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên); Cuốn sách đồng “Khâm ban đồng bài” (hiện đang lưu giữ tại thôn Văn An, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân); Kiệu đình Thọ Chương (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân); Khay rồng thờ đình Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân); Khánh đá chùa Điều (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục); Hương án và bệ thờ bằng đá chùa Đặng Xá (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng).

Bên cạnh việc có cái nhìn tổng quan về di tích, giúp các địa phương lập hồ sơ danh mục di tích, đợt kiểm kê di tích giai đoạn 2019 – 2022 còn góp phần tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy về di tích tới các ban khánh tiết và nhân dân để có nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Giúp chính quyền các địa phương và ngành chức năng nhận diện sơ bộ các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích; phát hiện di vật, cổ vật có giá trị để có kế hoạch nghiên cứu phát huy. Kiểm kê di tích còn giúp chính quyền địa phương nắm bắt sâu hơn một số vấn đề về giá trị, thực trạng di tích, tình hình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; bổ sung, cung cấp thông tin về di tích phục vụ công tác quản lý của các địa phương. Kết quả kiểm kê còn là cơ sở ban đầu để phân loại giá trị di tích, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hoạch định chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với mục tiêu phát triển văn hóa xã hội, kinh tế và du lịch.

Các đại biểu tham quan Bảo vật quốc gia Trống đồng Tiên Nội I. Ảnh: Bình Nguyên

Từ những kết quả đạt được của đợt kiểm kê di tích và trên cơ sở số liệu, danh mục được bàn giao, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục thống kê, bàn giao cho các đơn vị cấp dưới lưu giữ hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, căn cứ danh mục kiểm kê, cần rà soát những di tích hội đủ điều kiện, tiêu chí xếp hạng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá, đưa vào kế hoạch xếp hạng hằng năm. Làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích gắn với phát huy giá trị của các di tích phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/ghi-nhan-tu-cong-tac-kiem-ke-di-tich-105094.html