Ghi nhận ý kiến cha mẹ gửi thầy cô mùa khai trường: Mong con được học làm người tử tế ngay tại trường học

Từ hôm qua đến nay, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những dòng cảm xúc nhân ngày tựu trường. Trong đó có một dòng cảm xúc sâu kín ít được bộc lộ nhất nhưng lại cuồn cuộn mãnh liệt nhất đó chính là cảm xúc của các bậc cha mẹ trong mùa khai trường của con.

Chị Phạm Thị Định, giáo viên Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, cũng đồng thời là một người mẹ có hai con đang tuổi đi học cho biết, mong muốn lớn nhất của một người mẹ khi con đến trường đó là nhận được sự quan tâm chia sẻ của giáo viên. Theo chị Định, có một thực tế hiện nay là, giữa giáo viên và học sinh có một khoảng cách tình cảm rất lớn. Không như trước đây, giữa giáo viên và học sinh là rất gần gũi nhau về mặt tình cảm. Học sinh đi học không chỉ học kiến thức văn hóa mà còn phải học làm người. Cái chị cần cần sự phát triển ở con chị là chỉ số EQ chứ không chỉ là chỉ số IQ.

Chị Định cho rằng, bệnh vô cảm là căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay ở một bộ phận lớn giới trẻ. Bạn mình như thế nào mặc kệ, mẹ mình ăn bao nhiêu bát cơm không hay biết, bố mẹ buồn hay vui không hề quan tâm…

Nguyên nhân của căn bệnh vô cảm này đầu tiên là do ngấm dần từng ngày từng ngày trong gia đình từ nhỏ. Lúc đến tuổi đi học, các em ra xã hội tức là đến môi trường trường lớp thì lại gặp phải bệnh thành tích, điểm số…

Vô cảm là căn bệnh có thật. Bởi chỉ cần để ý ngay câu chào cô, chào thầy của các bạn trẻ hiện nay thì sẽ thấy. Có mấy em "chào cô" bằng tiếng chào cô cao vút, hớn hở, vui mừng đâu mà chỉ là chào chiếu lệ, chào nghĩa vụ thôi. Vì ở trong môi trường học đường nên tôi hiểu rõ cái mà con mình cần nhất ở trường hiện nay không phải là điểm số, là thành tích học tập mà chính là sự quan tâm, chia sẻ và yêu thương học trò. "Bởi theo quan điểm của tôi, trước khi muốn con mình thành đạt thì con cần phải học làm người tử tế đã. Và con mình có là người tử tế hay không, không chỉ phụ thuộc vào bố mẹ mà phụ thuộc rất nhiều vào những người thầy người cô đi qua cuộc đời con", chị Định nói.

Chị Phạm Thị Định (bên phải) cùng đồng nghiệp tại trường PTTH Việt Nam - Ba Lan

Chị Phạm Thị Định (bên phải) cùng đồng nghiệp tại trường PTTH Việt Nam - Ba Lan

Cũng như chị Định, phần đông các bậc cha mẹ trong mùa khai trường đều mong cho con có được một khởi đầu thuận lợi cho năm học mới. Họ thực sự mong muốn những câu khẩu hiệu như "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" được treo trước cổng trường sẽ trở thành hiện thực cho chính những đứa con của họ.

Có phụ huynh xúc động viết: "Ngày mai ba sẽ lại dắt con đi khai giảng năm học mới. Vào giai đoạn mới của cuộc đời, con hãy cứ tiếp tục hồn nhiên, trong sáng đến ngây ngô. Ba mẹ sẽ có trách nhiệm cùng các cô ở trường biến việc học thành niềm vui của con. Như thế là cách học tạo ít áp lực nhất. Con người ta chỉ làm tốt được điều mình yêu thích thôi".

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, có một thời phụ huynh thích con đạt được thành tích cao nhưng hiện nay xu hướng này đang có sự thay đổi. Bây giờ số đông các bậc cha mẹ đều mong cho con mình được vui vẻ ở trường, được học ít đi về kiến thức mà học thêm về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân. Phụ huynh ngày nay không nặng về thành tích, không chạy đua về thành tích mà chỉ mong cho con họ được phát triển như những con người bình thường nhất để có được cuộc sống hạnh phúc thực sự. Bởi như ý kiến của vị phụ huynh được nêu ở trên, họ nhận ra rằng, con họ chỉ có thể học tập tốt khi không bị áp lực. Sự hứng thú trong học tập của con em họ không đến từ sự gây áp lực của nhà trường, thầy cô mà đến từ đường lối dạy học chuẩn mực, từ sự hấp dẫn trong những bài giảng của người thầy.

Theo đánh giá của của chúng tôi qua việc tìm hiểu tâm tư của các bậc cha mẹ hiện nay thì thấy rằng, điều lo lắng thực sự cho đứa con của họ ở trường không phải là việc con họ học không tốt, điểm không cao mà là họ lo con bị trầm cảm, bị cô đơn, bị xa lánh hay bị hư hỏng, bạo lực và sa vào các tệ nạn như game online…

Họ viết tâm tư của mình lên mạng xã hội những dòng cảm xúc yêu thương và thấu hiểu đứa con của mình như: "Mới ngày nào con còn bé bỏng, mà giờ đã thành cậu thanh niên cao lớn đi dự khai giảng ngày cuối cấp. Ba mẹ chúc con có năm học cuối thật nhiều ý nghĩa và kỉ niệm, để sau này khi nhìn lại con luôn tự hào về bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường".

Hay có người mẹ viết: "Chúc con gái của mẹ bước vào năm học mới luôn mạnh khỏe, nhiều niềm vui và hăng say trong học tập. Mong con và các bạn có những kỷ niệm đẹp đẽ về những ngày đến trường như mẹ và các bạn ngày ấy đã từng đi qua. Mẹ yêu con!"

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/ghi-nhan-y-kien-cha-me-gui-thay-co-mua-khai-truong-mong-con-duoc-hoc-lam-nguoi-tu-te-ngay-tai-truong-hoc-20190906140949257.htm