Ghi ở Bệnh viện Việt Đức: Tai nạn giao thông do rượu bia giảm mạnh
Là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, Tết năm nay, số ca tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức giảm rất mạnh. Theo Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước ghi nhận 24.122 lượt khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông.
Sáng mùng 5 Tết, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức có 15 bệnh nhân đang điều trị, trong đó chiếm một nửa là TNGT, còn lại là tai nạn sinh hoạt. Theo các bác sĩ, bắt đầu từ trưa đến chiều tối bệnh nhân mới chuyển từ tuyến dưới lên đông. Trong sáng nay, đã chuyển hơn chục ca lên phòng mổ và nhiều ca sau khi được theo dõi, đánh giá, đã phân loại về các khoa, phòng để "giải phóng" bệnh nhân ở khu vực cấp cứu.
Vừa được đưa vào cấp cứu, nữ bệnh nhân H.T.N (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, sáng nay, chị đi xe máy từ nhà ra đường, do đi ngược chiều nên đã va chạm với xe máy khác. Vụ tai nạn khiến chị N bị thương ở vùng ngực và đầu, xây xước chân tay. Gia đình lo lắng đã đưa chị tới thẳng Bệnh viện Việt Đức.
Một nam thanh niên được chuyển từ tuyến dưới lên Khoa Cấp cứu vào sáng nay bị xây xước vùng mặt, gẫy chân, chấn thương vùng ngực cũng đang chờ bác sĩ đánh giá để đưa đi chụp chiếu. Người nhà bệnh nhân cho biết, sáng sớm nay, nam thanh niên đi xe máy và va chạm với xe đi ngược chiều.
Tại khu vực Hồi sức cấp cứu đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT.
TS.BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Chi trên và Y học thể thao, bác sĩ trực cọc 2 cấp cứu ngày mùng 5 Tết cho biết, bệnh nhân vào cấp cứu tăng nhiều nhất ngày mùng 1 và mùng 2 Tết (120 ca/ngày), từ mùng 3 đến mùng 4 giảm dần. Trung bình 3 ngày đầu Tết mỗi ngày có khoảng 100 ca cấp cứu (giảm 30% so với trước đây).
“Tết năm nay, số ca TNGT chiếm khoảng 50% tổng số ca cấp cứu trong ngày. Cách đây vài năm, con số này phải chiếm tới 80-90%. Tổng số ca cả tua trực trong ngày Tết năm nay cũng giảm so với vài năm trước”, BS Hải cho biết.
Nguyên nhân khiến TNGT vào cấp cứu giảm, theo BS Hải, thứ nhất do năng lực của tuyến dưới tốt hơn, các bệnh viện có thể làm được những ca cơ bản, chuyển lên Việt Đức chỉ là những ca nặng, đa chấn thương. Thứ hai do người dân đã nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ hơn. Đặc biệt, Tết năm nay, TNGT do rượu bia đã giảm rất mạnh.
“Rất ít trường hợp uống rượu bia bị TNGT vào cấp cứu.Ý thức về việc đã uống rượu bia thì không lái xe của người dân năm nay nâng cao rất nhiều”, BS Hải cho biết thêm.
Tuy nhiên, BS Hải cũng lưu ý, số ca TNGT bị chấn thương sọ não không giảm so với các năm trước, vẫn có nhiều người bị chấn thương sọ não vào cấp cứu từ trước Tết và trong Tết, riêng ngày 30 Tết có 14 ca. “Những ca chuyển lên đây đều đa chấn thương như chấn sọ não, chấn thương ngực kín, gay tay chân”, BS Hải cho biết.
Năm nay, Bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp tai nạn sinh hoạt như ngã cầu thang, pháo nổ, nổ bình gas…Riêng tai nạn do đánh nhau năm nay giảm rất mạnh, trong 4 ngày Tết (từ 30 đến mùng 3 Tết) chỉ ghi nhận 2 ca vào ngày 30 Tết. Theo phân tích của BS Hải, có lẽ năm nay mọi người ý thức hơn, uống ít rượu bia hơn, nên giảm mạnh tình trạng say rượu bia say rồi gây gổ đánh nhau.
Năm nay, thống kê 4 ngày Tết, Bệnh viện Việt Đức không ghi nhận ca cấp cứu nào liên quan đến tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế và ngộ độc thực phẩm.
Trước Tết tại Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận trường hợp phải cắt cụt cẳng chân phải do nổ bình gas mini. Vào tối mùng 4 Tết, tại đây lại tiếp nhận nam bệnh nhân 50 tuổi làm nghề đầu bếp, không may trong lúc nấu ăn, bình gas mini ở nhà phát nổ, khiến anh này bị tổn thương toàn bộ vùng hàm mặt, dập nát 1 số ngón tay, chấn thương ngực.
Theo BS Hải, tai nạn do nổ bình gas có những tổn thương âm thầm, có người ngày thứ nhất, thứ 2 không thấy sao, nhưng tới ngày thứ 3 mới chảy máu trong gây tràn dịch màng phổi, tổn thương tim, gãy xương sườn…
Theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 2/2, trong 8 ngày nghỉ Tết cả nước ghi nhận 24.122 lượt người đến khám, cấp cứu nghi liên quan đến TNGT.
Số lượt người bệnh nghi liên quan đến TNGT phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 9.818 người. Tổng số tử vong nghi do TNGT là 160 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở khám chữa bệnh là 66 người, tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 39 người và tiên lượng tử vong xin về là 55 người. Số người bệnh nghi do TNGT đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh tại thời điểm 7h sáng ngày 2/2 là 5.124 người.
Theo Bộ Y tế, tổng số khám, cấp cứu nghi do TNGT trong 24h qua giảm 894 người (22,1%). So với cùng kỳ 7 ngày Tết Giáp Thìn giảm 2.988 người (11,0%). Tổng số người nghi do TNGT phải nhập viện điều trị theo dõi trong 24h qua tăng nhẹ 310 người (19,6%). So với cùng kỳ 7 ngày Tết Giáp Thìn giảm 1.180 người (10,7%).
Tổng số tử vong nghi do TNGT trong 24h qua bao gồm cả tử vong trước khi đến cơ sở khám chữa bệnh, tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh và tiên tượng tử vong xin về giảm 13 người (46,4 %). So với cùng kỳ 7 ngày Tết Giáp Thìn giảm 61 người (28,9 %). Số liệu không bao gồm 8 trường hợp tử vong trên ôtô 7 chỗ đâm xuống mương tại Nam Định
Bộ Y tế cũng cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế đã khám, cấp cứu cho 549.997 lượt người bệnh; 194.985 người phải nhập viện điều trị nội trú.
Tổng số phẫu thuật là 18.929 ca, trong đó phẫu thuật cấp cứu do tai nạn là 3.301 ca; 200.084 người bệnh ra viện; đỡ đẻ, mổ đẻ đón 16.518 trẻ. Tổng số người bệnh hiện đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tại thời điểm 7 giờ sáng ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết Ất Tỵ 2025) là 131.615 người.