Ghi ở lò luyện chống khủng bố
Nắng sẽ tập luyện ở nơi nóng nhất, mưa cũng tập ở nơi mưa nhất, rét lại càng ở nơi rét nhất, đó là ngâm mình dưới sình lầy, phục kích truy bắt đối tượng dưới nước, là lặn, là bơi…
Thời tiết càng khắc nghiệt, càng là điều kiện thử thách, tôi rèn lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm “chinh phục” những nội dung huấn luyện khó trong “lò lửa” của đội quân dũng mãnh - lực lượng chống khủng bố chuyên nghiệp đầu tiên của Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
Thao trường khắc nghiệt
Nhận thông tin từ cấp trên, vào hồi X giờ, ngày Y có nhóm đối tượng khủng bố gồm 5 -7 tên từ nước ngoài theo đường mòn biên giới xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Nhận lệnh cấp trên, tổ đột kích tổ chức trận địa, chia thành nhiều mũi tấn công để phục kích đánh bắt đối tượng tại vùng rừng núi. Một tốp ba chiến sĩ với trang bị vũ khí đầy đủ đang nhanh thoăn thoắt vượt qua hàng loạt vật cản liên hoàn như hàng rào cũi, cầu độc mộc, leo dây đứng, thang ngang,... Ở một hướng khác, các chiến sĩ di chuyển linh hoạt vượt qua bãi chông, hầm sâu, đầm lầy, khe hẹp, vách núi cao 5m,… tượng trưng các loại địa hình, địa bàn chiến thuật khó khăn, hiểm trở. Đây là khu vực vật cản hết sức nguy hiểm, đòi hòi các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phải có nền tảng thể lực tốt, di chuyển mau lẹ để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng biến với các tình huống bất ngờ xảy ra. Các mũi đánh bắt đã nhanh chóng áp sát lớp hàng rào cuối cùng tạo thế gọng kìm bao vây đối tượng.
Trong trang phục ngụy trang kĩ càng, khéo léo, các chiến sĩ thoắt ẩn thoắt hiện giữa cây lá bạt ngàn. Cả vạt rừng yên ắng, nhìn qua cảm tưởng không một bóng người. Nhưng ẩn trong đất, trong lá khô, cây cối đều có các chiến sĩ trực sẵn, ánh mắt tinh nhạy đang quan sát tình hình, di biến động của đối tượng. Được lệnh, các nhóm đồng loạt vượt lớp hàng rào để tiến công mục tiêu. Lực lượng đánh bắt sử dụng quả nổ khống chế áp đảo, không cho đối tượng chạy thoát. Bất ngờ những tiếng hô vang dậy, tiếng súng nổ chát chúa. Lực lượng đánh bắt đã làm chủ mục tiêu, tiêu diệt 4 tên và thu được các loại vũ khí, nhanh chóng bàn giao cho lực lượng chức năng và rút quân.
“Đây là thao trường huấn luyện kĩ, chiến thuật theo một tình huống giả định là phục kích, truy bắt đối tượng trên địa bàn rừng núi. Bài huấn luyện phục vụ mục tiêu tác chiến tổng hợp, phù hợp với đặc điểm địa lí đặc thù của Việt Nam với đường biên giới dài, địa hình nhiều rừng núi, cây cối bao phủ rậm rạp”, Đại tá Triệu Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố (PCKB) chia sẻ với chúng tôi.
Kết thúc giờ huấn luyện, các chiến sĩ tập trung đội hình nghe nhận xét, rút kinh nghiệm. Quan sát những gương mặt hóa trang ròng ròng mồ hôi, dính đầy đất cát; những thân hình to khỏe trong bộ quần áo cây lá ngụy trang, Đại tá Minh đúc kết: “Nắng mưa là chuyện của trời, còn chúng tôi ở đây dường như không có mùa đông mùa hè, trời mưa trời nắng, chỉ biết thao trường và các bài luyện tập”. Có đến thăm Trung tâm vào những ngày hè nắng như đổ lửa, và cả những ngày đông lạnh tê tái, tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ luyện tập hết mình ở nhiều nội dung huấn luyện, nhiều dạng địa hình, bất chấp thời tiết khắc nghiệt mới thấy thấm câu nói ấy.
Với hoạt động luyện tập đặc thù, đa dạng nên khu căn cứ địa của đội quân PCKB được lãnh đạo Bộ Công an nghiên cứu, lựa chọn kĩ lưỡng và quyết định đặt tại vùng rừng núi Quảng Yên, Quảng Ninh. Cả một vùng địa hình phức hợp rộng hơn 500ha với rừng, núi, sông, biển, bãi sình lầy rất thuận lợi để triển khai công tác huấn luyện. Được thành lập đầu năm 2022, Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện thường xuyên theo chương trình khung đã được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt. Chương trình huấn luyện thực chiến cụ thể dựa trên thực tiễn công tác của lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ). Ngoài ra Trung tâm còn nhận các nhiệm vụ đột xuất như huấn luyện đội tuyển tham gia các cuộc thi quân sự, võ thuật trong và ngoài nước; huấn luyện kĩ năng sinh tồn…
Trong lò luyện chống khủng bố, tất cả các kĩ, chiến thuật, động tác võ thuật, bắn súng muốn thành công thì phải khổ luyện từng ngày. Một trong những bài học “vỡ lòng” của các chiến sĩ là kĩ năng hóa trang, ngụy trang. Có lúc là bôi trát bùn đất lên khắp cơ thể, ngụy trang bằng lá cây khô, lá tươi, cỏ khô,… để ẩn mình trong thiên nhiên, tiếp cận đối tượng ở khoảng cách gần nhất mà không bị phát hiện.
Kết thúc buổi huấn luyện, chiến sĩ Lò Văn Nghiệp, dân tộc Thái, sinh năm 2003 quê ở Sơn La và đồng đội đang cẩn thận “thoát vai” khỏi bộ quần áo lá cây. Những ngày đầu, Nghiệp được cán bộ huấn luyện hướng dẫn tỉ mỉ cách chọn các loại lá cây, cách ghim lá trên mũ, quần áo, hóa trang gương mặt. Giờ thì chỉ sau 30 phút, các chiến sĩ đều có thể tự hóa trang cho mình, biết cách ẩn nấp khéo léo. Đây là kĩ năng quan trọng nhằm tạo tính bất ngờ khi tiếp cận khu vực ổ nhóm và đón lõng tội phạm.
Khả năng chiến đấu, bản lĩnh nâng cao
Ở một góc đồi khác, đội hình huấn luyện võ thuật đang luyện tập. Trời nắng chang chang, không khí oi nồng, bóng các chiến sĩ đổ dài trên khoảng sân đất to rộng, bụi đất tung lên theo từng nhịp bước chân. Những tấm lưng trần nâu bóng mồ hôi và nắng gió thao trường. Tiếng chạy rầm rập, tiếng hô dũng mãnh vang xa khắp một vùng đồi núi. Cả đội hình thực hiện thuần thục các bài quyền tay không, quyền có binh khí như dao găm, thắt lưng, súng AK có tính sát thương cao và tăng sức chiến đấu, triệt hạ tội phạm nguy hiểm. Những thân hình rắn rỏi với cơ bắp cuồn cuộn đang thực hiện các động tác tấn công, phòng thủ uyển chuyển, nhuần nhuyễn.
Cách thao trường luyện võ thuật một quãng rừng là trường bắn được xây dựng theo các tình huống chiến đấu giả định. Các chiến sĩ trong bộ trang phục luyện tập bắn súng với đầy đủ áo giáp, đai, mũ bảo vệ, ốp tai, kính, găng tay rất chuyên nghiệp. Những tiếng súng rắn đanh, khô khốc như xé toạc cả khoảng đồi.
Một nội dung luyện tập “nặng kí” mà các chiến sĩ đều coi đó là thử thách “khó nhằn”, đó là luyện tập tác chiến tổng hợp trên sông nước, đầm lầy. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trời đông rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ xuống còn 7 độ C là “thời điểm lý tưởng” để… xuống nước. Các chiến sĩ thực hiện màn ngụy trang bằng cách bôi trát bùn đất lên người, hoặc đan kín những cành sú tươi từ đầu đến chân để tiếp cận đối tượng. Với trang bị vũ khí đầy đủ, đội hình tập luyện chia thành nhiều mũi thực hiện các thao tác lặn, bơi bí mật bằng ống thở, vận động theo đường sông nước, ngâm mình dưới bùn lầy để phục kích đối tượng. Dường như không một ai để ý tới sự rét mướt đang sộc vào cơ thể. Rất nhiều chiến sĩ quê ở các tỉnh miền Nam cũng đã thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh của miền Bắc để tập trung luyện tập.
Trung tá Nguyễn Trọng Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ rằng, ngoài luyện tập kĩ chiến thuật, võ thuật, bơi lặn thì các bài tập rèn thể lực cũng được thực hiện thường xuyên như vừa vác súng leo dốc vừa kéo lốp xe, vác cây gỗ di chuyển,… Đội quân thực hiện 11 chế độ tập luyện, ăn, ngủ nghỉ trong ngày. 5 giờ sáng thức dậy tập thể dục, sau đó ăn sáng. Đúng 7 giờ, các đội hình tập luyện cho đến 11 giờ 30 nghỉ ăn trưa. Lịch tập luyện buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Khoảng thời gian chiều tối là hoạt động thể thao, tập luyện lại các nội dung học trong ngày hoặc tăng gia sản xuất. Sau giờ ăn tối, các chiến sĩ được sinh hoạt chính trị, nghe phổ biến kiến thức, kế hoạch của đơn vị. Giờ đi ngủ được thực hiện nghiêm vào 21 giờ 30 phút hàng ngày. Riêng hai buổi tối thứ 3 và thứ 5, theo lịch huấn luyện, các chiến sĩ sẽ hành quân đêm có mang vác đồ đạc với trọng lượng 20-25kg trên quãng đường 20km. Chế độ tuần tra canh gác và chốt chặn ở đơn vị được thực hiện nghiêm ngặt.
Trải qua những ngày huấn luyện bài bản, chuyên nghiệp, lịch luyện tập dày đặc với cường độ luyện tập cao, các chiến sĩ chống khủng bố đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về thể lực và chuyên môn. Khả năng chiến đấu, bản lĩnh ngày càng được nâng cao. Mỗi chiến sĩ vừa rèn được khả năng độc lập tác chiến, vừa có kĩ năng phối hợp, hiệp đồng, tạo sự nhịp nhàng, thống nhất của cả đội. Trong quá trình rèn luyện, mỗi chiến sĩ nhận thức rõ được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có biện pháp khắc phục.
Chiến sĩ Ma Văn Dũng, sinh năm 2003 quê ở Hà Giang nhớ lại những ngày đầu luyện tập còn bỡ ngỡ, nhiều động tác phải tập đi tập lại nhiều lần. Sau gần 2 năm, Dũng và đồng đội đã quen với nếp sinh hoạt và luyện tập khẩn trương, ăn ngủ đúng giờ trong môi trường quân ngũ. Các chiến sĩ đã “nghiện” việc luyện tập đến nỗi ngày cuối tuần nghỉ tập là thấy buồn chân buồn tay. Ai cũng cảm nhận rõ thể lực tốt hơn, dẻo dai hơn, vượt qua các bài luyện tập dễ dàng hơn. Việc bị chấn thương, trầy xước trong khi tập là không thể tránh khỏi, nhưng tinh thần bền bỉ, khắc phục mọi khó khăn, thử thách đã vượt lên tất cả.
Đại gia đình
Điều đặc biệt, trong đội hình chống khủng bố có ba “bóng hồng” xinh xắn, rắn rỏi và đầy bản lĩnh. Những tưởng con gái chân yếu tay mềm nhưng họ đều tham gia luyện tập như các chiến sĩ nam mà không có bất kì một sự “ưu tiên” nào. Theo Đại tá Minh, các chiến sĩ nữ không chỉ có nền tảng thể lực nhất định mà còn có năng khiếu trong quân sự võ thuật, được tuyển chọn để huấn luyện nội dung nâng cao, đặc biệt là bắn súng. Cả ba chiến sĩ nữ đều thuộc đội tuyển bắn súng của Bộ Tư lệnh CSCĐ tham gia thi đấu tại các hội thi, hội thao và đạt thành tích cao.
Trong “lò lửa” chống khủng bố, có sự đối lập thú vị giữa đội quân trẻ, thiện chiến và những cán bộ lãnh đạo chỉ huy giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. “Đơn vị có 176 chiến sĩ, tuổi đời từ 19 đến 23, chiếm 2/3 quân số của đơn vị. Để rèn đội quân vừa tuân thủ nghiêm kỉ luật thép, vừa khơi lên hứng thú, quyết tâm tập luyện thì Cấp ủy, Ban giám đốc, cán bộ chỉ huy, huấn luyện phải là những người thực sự gương mẫu, bám đơn vị, bám thao trường. Đồng thời phải chú trọng giáo dục tư tưởng, quan tâm sát sao và giải quyết thấu đáo những khó khăn vướng mắc của cán bộ chiến sĩ, luôn có hình thức động viên kịp thời”, Đại tá Minh cho chúng tôi biết. Là đơn vị rất trẻ của Bộ Công an, Trung tâm đang nỗ lực xây dựng doanh trại; hoàn thiện, nâng cao nội dung huấn luyện để Trung tâm ngày càng vững mạnh, hiện đại, phát huy truyền thống dũng cảm, kiên cường của lực lượng CSCĐ, vì bình yên, hạnh phúc nhân dân.
Từ vùng quê Quảng Bình, sau thời gian huấn luyện, chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 2003 đã có mặt trong đội hình chống khủng bố. Kiên chia sẻ rằng ngoài giờ luyện tập, luôn nhận được động viên, khích lệ của cán bộ huấn luyện. Sau giờ tập, anh em đồng đội bên nhau tình cảm và ấm áp, kể cho nhau nghe về gia đình, quê hương, cảm giác như một gia đình lớn. Kiên háo hức chờ đón cái Tết thứ hai ở đơn vị với đêm lửa trại, những trận đấu giao hữu thể thao mừng xuân và sẽ được tự tay gói những chiếc bánh chưng cho đơn vị. Có đến 70% chiến sĩ ở đây là người dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có cách gói bánh riêng, nên những chiếc bánh chưng Tết cũng mang nhiều màu vẻ độc đáo và thú vị.
Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng chống khủng bố; sẵn sàng ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm; tham gia cứu nạn, cứu hộ, các tình huống cấp bách…
Đây vừa là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chống khủng bố, vừa nghiên cứu, tổ chức nội dung chương trình mới, phương pháp huấn luyện mới cho lực lượng. Đội quân chống khủng bố có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng cơ động chiến đấu trong điều kiện môi trường, địa hình, phức tạp; đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại, làm chủ được vũ khí, trang bị, phương tiện; sẵn sàng xử lý tất cả các tình huống xảy ra.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ghi-o-lo-luyen-chong-khung-bo-i720295/