Ghi ở phòng xét xử thân thiện
Cuối năm, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Hồ Văn A R. (sinh năm 1993) và Hồ Văn L. (sinh năm 2004), đều là dân tộc Vân Kiều, trú tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa về tội 'Vận chuyển trái phép vật liệu nổ'. Tại thời điểm phạm tội cũng như đưa ra xét xử, bị cáo L. tuổi vẫn chưa thành niên. Phiên tòa được tổ chức tại phòng xét xử thân thiện lần đầu tiên được triển khai tại TAND.
Xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên nên thẩm phán, chủ tọa phiên tòa mang trang phục hành chính, không mang áo choàng. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa trong phòng xử án thân thiện được bố trí trên cùng một mặt phẳng. Vị trí bị cáo L. ngồi có khoảng cách gần người giám hộ và người bào chữa nên đã được hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý. Chính vì thế, bị cáo vị thành niên lẫn người thân dù vẫn lo lắng nhưng không đến mức quá căng thẳng, nặng nề. Đặc biệt, quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử cũng như đại diện Viện kiểm sát đều là những người nhiều kinh nghiệm trong xét xử. Trong không khí gần gũi đó, với bất kỳ ai dự thính đều cảm nhận hiệu quả phiên tòa đã gây ấn tượng ngay từ những phút đầu.
Theo cáo trạng, vào ngày 7/7/2021, có một người đàn ông tên Hùng (không rõ lai lịch) đến nhà R. và L. hỏi mua bò nhưng không có. Sau đó, Hùng đặt vấn đề thuê R. và L. đi chở hàng. Cả hai chưa biết hàng gì nhưng vẫn đồng ý. Người tên Hùng hẹn 3 ngày sau gặp nhau ở khu vực đồi thôn Ruộng, xã Hướng Tân. Khoảng 7 giờ ngày 10/7/2021, Hùng điều khiển xe máy đến nhà L. rồi cả hai đến thôn Ruộng gặp R. Tại đây, Hùng nói “Đi chở thuốc nổ ra tượng đài thị trấn Khe Sanh, sẽ trả tiền công 5 triệu đồng”. Trước số tiền công hậu hĩnh cho chặng đường chỉ vài ki-lô- mét, cả hai nhanh chóng đồng ý dù biết đó là hàng cấm.
Sau đó, R. và L. theo Hùng chạy xe theo đường mòn thôn Ruộng, lên đồi Cu Vơ xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa rồi đến cột mốc 559. Ở vị trí này, Hùng chỉ thuốc nổ ở bụi cây ven đường cho R. và L. Hùng nói xong thì rời đi trước, còn R. và L. ngồi đợi đến 10 giờ mới vận chuyển một người một bao lên phía trước xe máy để chạy ra thị trấn Khe Sanh. Trên đường đi, cả hai bị lực lượng biên phòng bắt quả tang. Trong đó, R. chở bao thuốc nổ trọng lượng 53,2 kg; L. chở bao thuốc nổ trọng lượng 45,3 kg. Qua giám định, loại thuốc nổ trên là TNT, còn sử dụng được. Cáo trạng truy tố R. và L. có hành vi vận chuyển trái phép vật liệu nổ, khối lượng 98,5 kg thuốc nổ, khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Cả người giám hộ của L. cùng hai bị cáo thi thoảng cần người phiên dịch tiếng Bru - Vân Kiều. Vị trí của phiên dịch được bố trí gần với các bị cáo nên dường như không gặp trở ngại trong việc chuyển tải ngôn ngữ và dễ dàng nắm bắt nội dung câu hỏi lẫn câu trả lời cho Hội đồng xét xử. Quá trình xét hỏi, R. và L. đều thành khẩn, trình bày chi tiết hành vi phạm tội. Đối với người tên Hùng, quá trình điều tra đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa chứng minh được lai lịch nên điều tra rõ sẽ xử lý sau.
Sau phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát, hai trợ giúp viên pháp lý đến từ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị đã tham gia bào chữa cho các bị cáo. Phần tranh luận diễn ra sôi nổi nhưng không gay gắt, các trợ giúp viên pháp lý đề nghị tuyên các bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, trong đó đối với L. từ 3 đến 4 năm tù.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, L. bày tỏ đã nhận thức được sai trái và xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, chuộc lại lỗi lầm. Trong khi đó, R. cũng thể hiện sự thành khẩn, ăn năn. Thời gian nghị án, mẹ bị cáo L., cũng là người giám hộ có điều kiện để dặn dò con. Ở khoảng cách gần, chị nhắc con giữ gìn sức khỏe, nghe lời khuyên dạy của cán bộ công an. Được chia sẻ với con trong hoàn cảnh như thế này khiến chị cảm thấy được an ủi rất nhiều. Kết thúc phiên xét xử, Tòa đã tuyên R. 5 năm 6 tháng tù; L. 3 năm 6 tháng tù. Vụ án cảnh báo thực trạng một số đối tượng lợi dụng trẻ vị thành niên để phục vụ cho hoạt động phạm tội, gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa bàn; đồng thời cũng là lời nhắc nhở trong việc quản lý, giáo dục con em để tránh xa các cạm bẫy, cám dỗ rình rập.