Già A Yứk, người lưu giữ nét đẹp văn hóa nhà mồ của Tây Nguyên
Ở tuổi lục tuần, già A Yứk vẫn miệt mài đục đẽo để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của tượng nhà mồ Tây Nguyên.
Người “thổi hồn” vào gỗ
Mảnh đất Kon Tum đầy nắng và gió luôn ẩn chứa trong mình nhiều nét nguyên sơ, trầm mặc của văn hóa tâm linh. Với đồng bào người Ja rai nơi đại ngàn, sự bí ẩn đó càng lớn hơn gấp bội.
Trong hành trình trải nghiệm tại mảnh đất Tây Nguyê, chúng tôi như bị “thôi miên” bởi hàng trăm câu chuyện nhuốm màu cổ tích thủa hồng hoang. Bên ché rượu cần ấm đượm, ngồi quanh bếp lửa hồng, người dân địa phương kể cho nhau nghe về chiến tích của những vị già làng, bô lão đáng kính.
Trong số đó, họ dành sự tôn trọng sâu sắc với nghệ nhân tạc tượng gỗ cuối cùng của buôn làng. Ông được xem như là người bắc chiếc cầu nối giữa hai bờ thế giới âm dương. Nghệ nhân mà chúng tôi nhắc đến là già A Yứk, SN 1965, xã Ia Chim, Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Với người bản địa Tây Nguyên, từ bao đời nay họ vẫn xem nơi yên nghỉ cuối cùng của các vị tiền nhân là vùng đất thiêng, hay như tên gọi dân dã của người bản địa là khu “làng ma”.
Nét độc đáo của “làng ma” là sự góp mặt của quần thể tượng nhà mồ đa dạng. Những tượng gỗ với đủ các thể loại, màu sắc toát lên vẻ đẹp linh thiêng, huyền bí; được đục đẽo, gọt dũa một cách công phu, tỉ mỉ. Mỗi bức tượng biểu thị cung bậc, cảm xúc khác nhau của người đã khuất.
Để tìm hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa cổ kính này, chúng tôi có dịp trò chuyện với già A Yứk - nghệ nhân hiếm hoi còn lại tại xã Ia Chim.
Trò chuyện với chúng tôi, già kể những ngày còn nhỏ đã theo cha tham gia các lễ hội trong làng nên quen với tiếng cồng, điệu chiêng. Trong một lần góp mặt ở lễ hội Pơ Thi – (lễ bỏ mả của người Jrai), già tận mắt nhìn thấy những bức tượng nhà mồ với nhiều hình dáng, cảm xúc khác nhau khiến già mê mẩn không rời mắt.
Như một cái duyên, trở về già A Yứk nghĩ ngay đến việc đẽo tượng gỗ để gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Nhưng, kinh tế gia đình khó khăn nên già A Yứk chỉ có thể chặt mấy cây mít quanh nhà để đục, đẽo tượng.
Nét văn hóa trong từng thớ gỗ
Già chia sẻ: “Lần đầu tiên tập tành đục đẽo khiến đôi bàn tay thô ráp, rỉ máu nhưng sản phẩm không ra hình thù như ý. Dần dà, mình học được cách chọn khúc gỗ nhỏ rồi phác họa hình ảnh muốn đục lên. Chân giữ khúc gỗ còn tay A Yứk dùng đục và rựa đẽo từng miếng nhỏ theo hình đã vẽ.
Những ngày đầu do chưa quen nên rựa đập trúng tay liên tục. Phải mất hơn một tuần mình mới hoàn thành sản phẩm đầu tay là một bức tượng người đàn ông khỏe khoắn. Thế nhưng, nhìn bức tượng vẫn còn thô, không có hồn như những tác phẩm mà mình được chứng kiến tại nhà mồ của làng.
Sau vài tháng luyện tập với những vật liệu thô sơ như rìu, rựa, đục nếu ai yêu thích, đam mê và có đôi bàn tay khéo léo sẽ thổi hơi thở cuộc sống thường nhật vào trong từng thớ gỗ, gợi tả thần thái nhân vật. Mỗi tác phẩm mang cảm xúc, mỗi dáng vẻ khác nhau vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng Tây Nguyên”.
Theo già A Yứk, khi đôi tay đã đục thành thạo tượng nhà mồ, già chuyển qua thể loại mới khó hơn là làm mặt nạ gỗ để lễ hội trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Già lên rừng tìm cây keo, cây hoa mủ (Clâuser) về làm nguyên liệu chế tác mặt nạ. Những loại cây này thân mềm dễ đục đẽo và nhẹ nên thuận tiện cho người dân khi đeo trên mặt.
Do không sử dụng các loại máy móc nên già dùng đục, cưa, rựa để làm. Theo già, phải đục đẽo thật nhẹ nhàng nếu không sẽ làm mặt nạ bị nứt, hư hỏng.
Với những bộ phận chính trên mặt nạ như: mắt, mũi, miệng, trán, má, cằm... được cách điệu bằng đường nét tinh tế. Mắt của người già khác với mắt của trẻ con nên khi làm phải để ý và chau chuốt để mọi người có thể dễ dàng phân biệt.
“Mỗi chiếc mặt nạ đều có hình thù và cảm xúc khác nhau. Mặt nạ đàn ông khác của phụ nữ. Mặt nạ đàn ông có râu, xương hàm to và vuông. Mặt nạ phụ nữ có tóc dài, cằm thon gọn mới thể hiện được sự dịu dàng, nét nữ tính. Tuy nhiên, chiếc mặt nạ phải càng xấu, quái dị mới được xem là đẹp”, già A Yứk nói.
Theo già A Yứk, khó nhất khi làm mặt nạ là tạo dáng làm sao cho phù hợp với nhân vật mà mình muốn thể hiện. Đặc biệt để làm được hàm răng rất khó, đòi hỏi người thực hiện phải khéo léo, tỉ mẩn.
“Để làm ra một chiếc mặt nạ không hề đơn giản, đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, cẩn thận và có trí tưởng tượng phong phú. Mỗi ngày mình chỉ làm được khoảng 3 cái, do ngồi lâu sẽ rất đau lưng.
Tuy kỳ công là thế nhưng mỗi chiếc mặt nạ mình bán ra chỉ 90.000 đồng. Mình không đặt nặng vấn đề kinh tế, chỉ mong mọi người yêu thích và giữ gìn những nét văn hóa độc đáo này”, già A Yứk chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt già đượm buồn bởi lo sợ sắp tới không có người kế nghiệp nét văn hóa cha ông để lại. Bởi ngày ngay, các thanh niên trẻ trong làng chẳng có ai mặn mà, đam mê với công việc này.
Bà Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim nhận xét, già A Yứk là một trong những người còn lưu giữ nghề đẽo tượng nhà mồ và làm mặt nạ gỗ tại địa phương. Hiện nay, tại nhà già A Yứk còn lưu giữ một số mặt nạ gỗ để sử dụng trong các lễ hội tại địa phương.