Gia Bắc hướng tới xã nông thôn mới

Với đặc thù là một trong những xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, xã Gia Bắc, huyện Di Linh có 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên sinh sống. Nhờ được sự quan tâm và đầu tư nhiều mặt của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền và Nhân dân trong xã nên giờ đây diện mạo nông thôn ở Gia Bắc ngày càng được khởi sắc.

Đồng bào DTTS xã Gia Bắc đã chú trọng thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Đồng bào DTTS xã Gia Bắc đã chú trọng thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Sau ngày giải phóng, từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đồng bào DTTS xã Gia Bắc đã từ bỏ cuộc sống du canh, du cư chuyển sang cuộc sống mới định canh, định cư. Thông qua các Chương trình, dự án 327, 134, 135, Chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới… , cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh được đầu tư hàng chục tỷ đồng, đã thổi một luồng sinh khí mới, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở xã vùng khó này.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Gia Bắc đã nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, gắn với công tác giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các mô hình ghép cải tạo, tái canh cà phê già cỗi năng suất kém sang trồng giống cao sản, mô hình trồng xen canh bơ, sầu riêng, mắc ca và duy trì sản xuất 430 ha bắp lai.

Ông K’Vũng - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Gia Bắc là xã đặc biệt khó khăn, có 2 loại cây trồng chính là cà phê và bắp lai. Do lượng mưa hàng năm rất ít, đất đai, khí hậu không ưu đãi… đa số cây trồng đều phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên trong phát triển kinh tế của xã gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc đầu tư thâm canh, do đó năng suất và sản lượng cây trồng hàng năm đạt khá thấp”.

Tổng diện tích cà phê toàn xã hiện có trên 1.482 ha, trong đó có 1.050 ha đang trong thời kỳ cho kinh doanh với năng suất chỉ đạt trên dưới 2 tấn/ha; cho đến nay có 137,25 ha được tái canh, ghép cải tạo và đã có trên 100 ha được trồng xen canh các loại cây ăn quả có giá trị. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn vận động Nhân dân kết hợp phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong xã từng bước được ổn định và nâng lên.

Từ lao động sản xuất, có nhiều hộ đồng bào chẳng những đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khó mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, điển hình như gia đình ông K’Brêl (thôn Nao Sẻ), ông Hà Rung Dũng (thôn Đạ Hìong), hộ ông K’Plái (thôn Bộ Be)… hàng năm thu nhập bình quân trên dưới 200 triệu đồng từ trồng cây cà phê và bắp lai.

Anh K’Hỏi ở thôn Hà Giang là hộ đầu tiên của xã được Nhà nước hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật ghép cải tạo cà phê bộc bạch: “Nhờ ghép cải tạo, nên rẫy cà phê của gia đình tôi phát triển khá tốt, cho năng suất cao hơn so với trước đây. Năm thời tiết thuận lợi đạt năng suất 4 tấn/ha/năm, còn năm thất mùa chỉ đạt 3 tấn cà phê nhân đổ lại/ha. Đến nay, đời sống kinh tế gia đình đã được ổn định, thu nhập bình quân của gia đình tôi hiện nay đạt trên 40 triệu đồng/người/năm”.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, xã hội cũng được nâng lên, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Học sinh tốt nghiệp các cấp học phổ thông được tăng dần theo từng năm; công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ngày càng được quan tâm và nâng lên đáng kể; các hủ tục mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi, ma chay… đã được xóa bỏ.

Tuy cuộc sống của Nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng được “thay da, đổi thịt”, nhưng điều trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương đó là điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn và thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, hiện mới chỉ đạt từ 25 - 27 triệu đồng/người/năm.

Ông K’Vững - Bí thư Đảng ủy xã Gia Bắc, cho biết: “Năm nay, Huyện ủy, UBND huyện giao chỉ tiêu phải về đích nông thôn mới nên đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đến cuối năm 2020, Gia Bắc đã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, hiện còn tiêu chí về nhà ở và thu nhập. Để phấn đấu về đích nông thôn mới, ngay từ đầu năm Đảng ủy, UBND xã đã tiếp tục lãnh, chỉ đạo bà con tăng cường trồng xen các loại cây ngắn ngày để đảm bảo nguồn thu nhập, đồng thời chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây chuối La ba”…

Chia tay với Gia Bắc, chúng tôi có cùng một suy nghĩ, tuy còn có những khó khăn nhất định, nhưng với tiềm năng đất đai, lao động sẵn có, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tinh thần nỗ lực vượt khó, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, đồng bào DTTS Gia Bắc sẽ vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/gia-bac-huong-toi-xa-nong-thon-moi-3070019/