Giá bán căn hộ cao, thu nhập 30 triệu đồng/tháng làm sao mua nhà?

Khảo sát cho thấy ngay cả nhóm dân số ở đô thị lớn có mức thu nhập bình quân 13 - 18 triệu đồng/tháng cũng gặp khó khăn khi mua nhà

Trong một báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dẫn số liệu từ khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy nhóm 20% dân số ở một số địa phương như Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng có mức thu nhập bình quân 13 - 18 triệu đồng/tháng. Đây là nhóm có khả năng tự mua nhà ở đô thị lớn mà không cần hỗ trợ từ nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả nhóm này cũng gặp khó khăn khi mua nhà.

VARS tính toán giả sử một hộ gia đình có 2 người lao động thuộc nhóm thu nhập cao, tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, tương đương 360 triệu đồng/năm. Theo quy tắc tài chính, chi phí nhà ở không nên vượt quá 1/3 thu nhập, tức khoảng 80 triệu đồng/năm. Trong khi đó, giá căn hộ tại Hà Nội và TP HCM hiện dao động 40 - 70 triệu đồng/m², tức một căn hộ 60 m² có giá 2,5 - 3,5 tỉ đồng.

Nếu mua một căn hộ 3,5 tỉ đồng, người mua phải vay ngân hàng 70% (khoảng 2,45 tỉ đồng) với lãi suất 8%/năm trong 20 năm, trả góp hằng tháng khoảng 25 - 27 triệu đồng, tương đương hơn 300 triệu đồng/năm. Trong khi đó, khả năng chi trả chỉ khoảng 80 triệu đồng/năm. Điều này cho thấy việc sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn là thách thức lớn, ngay cả với nhóm thu nhập cao.

Ông Đoàn Quốc Duyệt, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Tín Thành, cho rằng giá nhà tại các đô thị lớn hiện quá cao so với thu nhập của người lao động. Tình trạng này là do sự gia tăng dân nhập cư và đầu tư công chỉ tập trung vào một số khu vực, đẩy giá bất động sản tăng liên tục. Trong khi nhu cầu nhà ở trung cấp và bình dân rất lớn, nguồn cung lại khan hiếm, còn phân khúc cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí, trong năm 2024 vẫn có những dự án giá trên 100 triệu đồng/m².

Với mức giá 50 - 70 triệu đồng/m² cho một căn hộ trung cấp, người lao động bình thường phải làm việc hơn 20 năm mới tích lũy đủ tiền. Phần lớn người mua nhà phải vay ngân hàng từ 50%-70% giá trị căn nhà, chịu áp lực lớn về lãi suất và trả nợ. Do vậy, nhiều người không dám mua nhà do lo ngại gánh nặng nợ nần.

Thay vào đó, họ chọn thuê nhà và tích lũy dần. Một số khác, sau thời gian dài làm việc ở thành phố mà vẫn không đủ khả năng mua nhà, đành chấp nhận "bỏ phố về quê" tìm cơ hội khác. Nhiều gia đình trẻ thuộc thế hệ 9X và gen Z cũng chọn giải pháp thuê nhà, tập trung phát triển kinh doanh, đầu tư tài chính để tăng thu nhập, rồi mới tính đến chuyện mua nhà.

Thực tế cho thấy việc mua nhà luôn là thách thức đối với người lao động bình thường. Giá bất động sản do thị trường quyết định, vì vậy người có thu nhập trung bình cần phát triển thêm nguồn thu nhập và cân nhắc vay để mua khi điều kiện phù hợp. Nếu chưa đủ khả năng mua nhà tại nội thành, người dân có thể bắt đầu với bất động sản vùng ven rồi dần nâng cấp. Cần tận dụng cơ hội mua nhà khi còn trẻ, vì giá nhà càng về sau càng cao.

Ông Duyệt cũng khuyên người vay mua nhà nên tính toán kỹ khả năng tài chính, không nên vay quá 50% thu nhập hằng tháng để tránh rơi vào áp lực nợ nần.

Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-ban-can-ho-cao-nhieu-nguoi-chon-giai-phap-thue-196241216202236843.htm