Giá bán điện tăng: Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Giá điện tăng 4,8% đã tạo thêm sức ép với khách hàng sử dụng điện. Trong bối cảnh chi phí sản xuất bị đội lên, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chủ động thích ứng và đưa ra những giải pháp tiết kiệm điện.

Áp lực chi phí

Quyết định điều chỉnh giá điện đã tạo ra những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN tại Khánh Hòa. Trong đó, các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như: Chế biến thủy sản, cơ khí, đóng tàu và dệt may chịu ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, với đặc thù sử dụng nhiều máy móc, thiết bị công suất lớn, các DN trong lĩnh vực dệt may, cơ khí và đóng tàu phải đối mặt với bài toán chi phí vận hành, sản xuất gia tăng. Với các Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam - những khách hàng tiêu thụ lượng điện rất lớn của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, mức độ ảnh hưởng cũng nặng nề hơn. Ông Lê Văn Toàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam chia sẻ: “Hằng tháng, chúng tôi tiêu thụ khoảng 15 tỷ đồng tiền điện. Hiện nay, giá điện tăng 4,8% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm. Mỗi tháng, tiền điện sẽ tăng khoảng 700 triệu đồng. Trong khi đó, các đơn hàng đã được công ty ký từ đầu năm, nay chi phí tăng cũng không thể đàm phán điều chỉnh được với khách hàng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh, làm giảm lợi thế cạnh tranh khi tham gia chào hàng với các DN đóng tàu quốc tế khác”.

Một doanh nghiệp cơ khí tại Cụm Công nghiệp Đắc Lộc, Nha Trang.

Một doanh nghiệp cơ khí tại Cụm Công nghiệp Đắc Lộc, Nha Trang.

Đối với ngành chế biến thủy sản, điện đóng vai trò quan trọng trong các khâu bảo quản và chế biến, vì vậy, giá điện tăng cũng khiến cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (Khu Công nghiệp Suối Dầu), giá điện tăng kéo theo một khoản chi phí trong quá trình sản xuất tăng lên đáng kể, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Điều này khiến cho các DN chế biến thủy sản phải tính toán lại toàn bộ quy trình sản xuất để tối ưu hóa chi phí. Tương tự, Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận (Khu Công nghiệp Suối Dầu) cũng sử dụng một lượng điện năng rất lớn cho hệ thống cấp đông, kho lạnh bảo quản và các dây chuyền chế biến. Theo chia sẻ từ bộ phận quản lý, việc giá điện tăng đã tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh khi xuất khẩu nếu không có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Nỗ lực tìm giải pháp

Với áp lực chi phí ngày càng gia tăng, các DN tại Khánh Hòa đang chủ động triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm điện và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Nhiều DN chế biến thủy sản đã bắt đầu rà soát lại quy trình cấp đông, đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm điện hơn và tăng cường quản lý năng lượng; một số DN đang nghiên cứu ứng dụng các giải pháp năng lượng mặt trời để giảm bớt sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia. Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận, Công ty TNHH Hải Vương đã kiến nghị với cơ quan chức năng cho DN được lắp đặt hệ thống năng lượng áp mái, phục vụ cho sản xuất trong bối cảnh hiện nay. Trong lĩnh vực cơ khí và đóng tàu, việc bảo trì định kỳ và nâng cấp các máy móc cũ, tiêu hao nhiều điện năng cũng được chú trọng hơn.

Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Hải Vương.

Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Hải Vương.

Đối với ngành dệt may, ông Đỗ Ngọc Phú - Trưởng phòng Đầu tư phát triển Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và năng lượng trong các khâu nhuộm, sấy đang được nhiều cơ sở triển khai. Việc đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng cũng được xem xét như một giải pháp dài hạn. Hiện nay, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nên trong khung giờ cao điểm cũng sẽ tiết kiệm rất lớn chi phí cho năng lượng.

Xí nghiệp May Khatoco.

Xí nghiệp May Khatoco.

Trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng DN tại Khánh Hòa cũng kỳ vọng vào sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ chính quyền địa phương. “Nhằm giúp DN thích ứng với giá điện tăng, rất mong có sự hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện để DN được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhằm đổi mới công nghệ. Các chương trình tư vấn về quản lý năng lượng hiệu quả được xem là những giải pháp thiết thực để giúp DN vượt qua giai đoạn này. Sự đồng hành và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc giúp cộng đồng DN Khánh Hòa ổn định và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Quang Duy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa kiến nghị.

Ông NGUYỄN SANH ĐƯƠNG - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Giá điện tăng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các DN. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ cùng với các cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện cho các DN thực hiện các thủ tục cần thiết để lắp thêm các hệ thống năng lượng tái tạo nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về giá điện, đồng thời hướng tới nguồn năng lượng xanh phục vụ cho sản xuất lâu dài. Đối với những DN muốn đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, tiêu tốn ít năng lượng, sở cũng sẽ xem xét hỗ trợ thông qua các đề án khuyến công địa phương và quốc gia.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202505/gia-bandien-tang-doanh-nghiep-chu-dong-thich-ung-a4f3611/