Giá bán giảm rất sâu, sức mua vẫn chưa có sự cải thiện
Nhìn vào thị trường điện máy và các dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu hiện nay sẽ thấy dù giá bán đã giảm rất sâu, tăng hàng loạt khuyến mãi để kích thích tiêu dùng nhưng sức mua vẫn chậm cải thiện so với kỳ vọng. Tại sao lại như vậy: phải chăng những giải pháp, chính sách nhằm kích cầu chưa hiệu quả hay là do người tiêu dùng chưa được 'lên dây cót' tinh thần để tăng niềm tin khi mua sắm?
Ghi nhận thị trường điện thoại di động ở Việt Nam vào những ngày thượng tuần tháng 6/2023 cho thấy, giá nhiều dòng điện thoại iPhone của Apple đã giảm sâu đến 10 triệu đồng. Không những vậy, một số hệ thống bán lẻ còn thông báo sẽ tung ra hàng ngàn ưu đãi cực “sốc”, đưa nhiều dòng iPhone về mức rẻ nhất từ trước đến nay.
“Tiền đâu mà mua với sắm”
Tuy vậy, dù có mức giá giảm nhưng có một thực tế tại thị trường hiện tại là các đại lý đang gặp khó trong việc “xả tồn kho” dòng iPhone 14, sức mua vẫn rất kém ngay cả khi đã liên tục hạ giá xuống sát mức giá nhập. Rất có thể điều này sẽ được phản chiếu trong báo cáo quý 2/2023.
Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay làgiảm chi tiêu nhữngmặt hàng không thiết yếu trong bốicảnhkinh tế gặp khó khăn.
Theo đánh giá mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC, thị trường điện thoại di động năm nay có thể sụt giảm 20% so với năm 2022.
BVSC thận trọng dự báo thị trường điện thoại di động Việt Nam sẽ hồi phục 10% năm 2024 và 5% trong năm 2025. Điều này được lý giải vì điện thoại di động là mặt hàng không thiết yếu và khả năng mất nhiều thời gian để sức mua hoàn toàn hồi phục.
Còn trong báo cáo hồi tháng 5/2023 của hãng nghiên cứu thị trường Canalys có cho biết người tiêu dùng Việt Nam trong quý đầu năm 2023 mua sắm lượng điện thoại thông minh chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng ở góc độ của một người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Trung (trú quận 11, Tp.HCM) chia sẻ, thời buổi này, doanh nghiệp (DN) làm ăn chật vật, công nhân thất nghiệp hàng loạt, tiền còn không có để mua sắm hàng hóa thiết yếu thì sao có tiền để mua điện thoại mới dù cho giá cả có giảm xuống mức thấp nhất.
Theo ông Trung, ngoài mặt hàng điện thoại đang giảm giá còn có nhiều mặt hàng điện máy cũng đang giảm giá mạnh nhằm kích thích sức mua với những người tiêu dùng như ông. Thế nhưng, kinh tế khó khăn, chi phí xăng dầu, điện nước tăng, nên người tiêu dùng đành phải chắt chiu chi tiêu trong việc mua sắm.
“Chẳng hạn như mặt hàng tivi hiện giờ chẳng ai tha thiết mua cái mới. Thấm đòn suy thoái rồi, dân tình khó khăn thì tiền đâu mà mua với sắm đồ điện tử. Chạy ăn còn bở hơi tai, lấy đâu ra mà vung vít như thời... vàng son!”, ông Trung nói.
Với mặt hàng tivi, theo ghi nhận, mức giá hiện tại đã giảm mạnh 30 - 40% so với các tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, giá giảm vẫn không kích thích được người mua, tiêu thụ tivi trong 5 tháng đầu năm 2023 được cho là đã giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2022.
“Lên dây cót” cho người tiêu dùng
Giới phân tích cho rằng, sức mua hàng điện máy trong 5 tháng đầu năm nay thấp nhất trong suốt 20 năm qua và dự báo phải sau 1-2 năm nữa, thị trường mới hồi phục.
Các DN trong lĩnh vực bán lẻ điện máy hiện đang phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho, nhưng không thể nào giải quyết được. Có thể họ sẽ phải tiếp tục “dìm” giá sản phẩm đến hết năm nay, thậm chí kéo dài sang năm sau để ít nhiều tiêu thụ được sản phẩm.
Việc chậm cải thiện sức mua không chỉ với mặt hàng điện máy mà còn với những mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu khác và được thể hiện trong số liệu so sánh mới đây của Tổng cục Thống kê.
Theo đó, nếu như trong 5 tháng đầu năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19), doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gồm lưu trú ăn uống; du lịch lữ hành và các dịch vụ khác) chiếm 23,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thì đến năm 2023 chỉ còn chiếm 21,1% (giảm 2,6 điểm phần trăm).
Trong đó, nhóm hàng dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 1,5 điểm phần trăm, từ mức 12,1% năm 2019, xuống 10,6% năm 2023; dịch vụ khác giảm 0,8 điểm phần trăm, từ 10,8% xuống 10,0%.
Điều này, như lưu ý của Tổng cục Thống kê, đã phản ánh xu hướng tăng tỷ trọng chi tiêu hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu của người dân trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn.
Trước bối cảnh các mặt hàng, dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu có sức mua còn yếu dù đã ra sức giảm giá và mở hàng loạt khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh vấn đề căn cơ là các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế phải cần cải thiện đồng bộ thì mới có thể tạo ra tín hiệu tốt cho tâm lý người tiêu dùng để từ đó tăng sức mua.
Thực ra, việc giảm giá, khuyến mãi chỉ là biện pháp trước mắt nhằm giải phóng hàng tồn kho, quay vòng vốn hoạt động cho các DN. Còn giải pháp cốt lõi, theo ông Dũng, sức mua trên thị trường phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý chi tiêu của người dân.
Đó là tăng sức mua bằng cách tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm thất nghiệp. Về phía các DN đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống phân phối, tổ chức tốt khâu bán hàng để sản phẩm không phải qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thành.
Thực tế cho thấy, khi kinh tế còn khó khăn, sản xuất đình đốn vì thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động giảm sút, dẫn đến tâm lý của người tiêu dùng Việt sẽ ở trong trạng thái hoài nghi, băn khoăn về “sức khỏe” tài chính hơn là nghĩ đến chuyện mua sắm. Ngay cả những giải pháp kích cầu tiêu dùng thời gian qua liệu có hiệu quả, có căn cơ hay không cũng cần được xem xét lại.
Điều mà các DN và các nhà hoạch định chính sách cần làm trong lúc này là phải có những giải pháp đồng bộ và căn cơ để “lên dây cót” tinh thần cho người tiêu dùng Việt, nhằm tăng niềm tin của họ cao hơn, như thế mới giúp cải thiện hiệu quả sức mua.