Già bản người Dao hiến tặng đất để xây trường học và dạy chữ miễn phí
Già bản người Dao Bàn Văn Cường (tỉnh Bắc Giang) tình nguyện hiến tặng hơn 1ha đất xây trường học và truyền dạy chữ Nôm Dao miễn phí.
Hấp dẫn bởi việc làm của ông, tôi đến gặp già bản Bàn Văn Cường (thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) người được cho là đang “giữ trọn” các văn tự cổ của người Dao.
Với dáng người cao, nụ cười thân thiện, ở tuổi ngoài 70 nhưng ông vẫn minh mẫn, mạnh khỏe và nhiệt huyết với công việc tìm tòi nghiên cứu phương pháp truyền giảng tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ...
Kể từ khi nghỉ hưu năm 2000, già bản người Dao Bàn Văn Cường, luôn miệt mài lưu giữ, tìm kiếm và truyền dạy các văn tự cổ cho người dân trong xã.
Ông xem đây là cách để góp phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và cũng làm giàu có thêm đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây.
Ông Cường nhớ và kể lại: “Ngày trước, tôi thường được đi theo ông chú làm thầy cúng, đi cúng cho nhiều gia đình trong bản.
Những bài cúng của người Dao thường sử dụng chủ yếu là chữ Nôm Dao và tôi đã được người chú dạy cho chữ Nôm Dao trong khoảng thời gian một năm.
Sau đó, do công việc, mãi đến năm 2007, sau khi nghỉ hưu, tôi mới tập trung đi học hỏi, sưu tầm các loại sách chữ cổ của người Dao, đi dự các hội thảo khoa học về văn hóa, phong tục tập quán, chữ viết của dân tộc mình.
Nếu còn khỏe tôi vẫn muốn tiếp tục hệ thống lại những kiến thức tôi sưu tầm được trong nhiều năm qua để viết thành sách”.
Năm 2010, được sự giúp đỡ của Bảo tàng văn hóa tỉnh Bắc Giang, già bản Bàn Văn Cường đã mạnh dạn mở lớp và truyền dạy chữ Dao cổ cho những người Dao ở xã mình và các xã lân cận.
Cô giáo 20 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
“Thời điểm đó, tôi mở được 2 lớp dạy chữ Nôm Dao, mỗi lớp từ 30 đến 40 học viên, với nhiều lứa tuổi.
Các học viên khi đến lớp, không phải đóng học phí. Mọi người đến lớp còn được học về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, phong tục tập quán, sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc”, ông Bàn Văn Cường cho biết.
Việc truyền dạy, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc Dao của ông Cường được rất nhiều người trong thôn bản, hưởng ứng.
Cũng từ các lớp học này mà nhiều người biết đến lớp học dạy chữ Nôm Dao của ông Cường mà vượt hàng trăm cây số mang sách, tài liệu góp thêm vào việc bảo tồn văn hóa của người Dao.
Một số học viên xuất sắc trong khóa học của ông Cường đến nay có thể tự tin viết, đọc thành thạo chữ Nôm Dao như anh Triệu Văn Hải, Bàn Văn Thanh, chị Triệu Thị Xoan...
“Khi mở lớp dạy chữ Nôm Dao, tôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp cho bộ sách dạy chữ Nôm Dao chuẩn gồm 9 quyển và hỗ trợ kinh phí, cấp chứng chỉ cho các học viên trong lớp.
Người học chữ Nôm Dao chỉ cần kiên trì và tích cực đọc, viết là sau 3 đến 4 năm có thể biết đọc, biết viết.
Còn khi biết đọc, biết viết thì sẽ học thêm cách dịch nghĩa, hiểu từng câu, từ trong các câu nói, các câu thơ, truyện...”, ông Cường cho biết thêm.
Việc làm ý nghĩa của ông Cường vì lẽ đó được người dân trong xã và các dòng họ hết sức ủng hộ, ngày càng có nhiều người tin tưởng theo học.
Ông Hoàng Văn Tuệ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tuấn Mậu, có nhận xét: “Ông Cường là một trong những già bản uy tín của xã. Ông không chỉ tham gia nhiệt tình trong việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của bản như sưu tầm, truyền dạy chữ Nôm Dao cho người dân trong xã mà còn hăng hái tham gia các công việc chung của thôn, bản.
Ông Cường đã làm đơn hiến tặng hơn 1ha đất của gia đình đang trồng cây vải thiều để làm trường học. Việc làm này tất cả người dân trong xã đều cảm phục ông.
Chúng tôi cùng với nhiều ban, ngành đang tích cực phối kết hợp để giúp đỡ ông Cường mở thêm các lớp học tới các thôn, bản khác”.
Được người dân, gia đình ủng hộ việc làm của mình, ông Cường được tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô giá để ông “lặn lội” đi hết bản này, sang bản khác, tỉnh này sang tỉnh khác, có lúc ông lên tận Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang để gặp các già làng, trưởng bản người Dao nhờ họ kể lại rồi ông ghi âm, chép lại các văn tự chữ cổ.
Biết bao câu chuyện về cuộc sống cũng như sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Dao để răn dạy con cháu như: “Cha là trời, mẹ là đất, không kính cha mẹ thì kính ai, không thờ cha mẹ thì thờ ai” được ông truyền dạy cho các thế hệ sau của người Dao nơi vùng cao Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Bằng nghị lực và tâm huyết của bản thân, già bản Bàn Văn Cường đã góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao.
Sau nhiều năm trăn trở, khổ luyện, sưu tầm, ông Bàn Văn Cường đã có cho mình một tài sản vô giá không chỉ với ông, mà còn với cả đồng bào dân tộc Dao tỉnh Bắc Giang.
Đó là các cuốn sách như “Chuyện cổ người Dao” kể về sự ra đời, nguồn gốc của loài người và đặc biệt là sự ra đời của người Dao cũng như nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hàng ngày và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; sách về chuyện thơ, nghi thức, những lời răn đạo đức làm người của người Dao...
Với những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa của người Dao, ông Cường đã được nhận rất nhiều nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác bảo tồn, giữ gìn và và phát triển văn hóa của cộng đồng người Dao ở Bắc Giang nói chung và cộng đồng người Dao ở xã Sơn Động nói riêng.