Giá bánh trung thu tăng cao kỷ lục vì 'còng lưng' gánh phí đầu vào
Các thương hiệu đã mở bán bánh trung thu sớm hơn mọi năm. Tuy nhiên, khi vật giá leo thang, giá bánh năm nay tăng kỷ lục.
Thị trường đến sớm
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Trung Thu nhưng các thương hiệu đã mở bán bánh trung thu sớm hơn mọi năm, nhằm thu hút khách và tăng thêm doanh thu vì năm ngoái bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo ghi nhận, tính đến ngày 18/7 (tức ngày 20/6 Âm lịch), trên nhiều con phố ở Hà Nội như: Xã Đàn, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy, Võ Thị Sáu... các gian hàng bán bánh trung thu của của thương hiệu Kinh Đô, Như Lan, Thành Đô... đã được dựng lên cách đây cả tuần.
Trên các trang mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki,.. và trang mạng xã hội, bánh trung thu các hãng, bánh trung thu handmade cũng được rao bán rầm rộ.
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị lớn như: MM Mega Market, Big C, Winmart… đều chưa tổ chức kinh doanh sớm mặt hàng này.
Các quầy bánh Trung thu của thương hiệu Kinh Đô, Như Lan, Thành Đô… xuất hiện trên nhiều ngả đường ở Hà Nội, TP HCM.
Hiện nay, người mua chủ yếu là khách lẻ, mua để thưởng thức và biếu tặng cá nhân. Khách hàng tổ chức, doanh nghiệp đang được chào giá để đặt hàng với số lượng lớn.
Ông Kao Siêu Lực - Tổng Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) nhìn nhận, thị trường năm nay có tín hiệu tích cực. Lượng khách mua bánh năm nay tăng đến 30% so với cùng kỳ những năm trước.
"Năm nay, chúng tôi có 2 sản phẩm mới hoàn toàn là bánh Trung thu hoa đậu biếc nhân phô-mai và bánh Trung thu thanh long với mong muốn tiêu thụ nhiều hơn và nâng tầm cho nông sản Việt. Dự kiến 2 dòng sản phẩm này sẽ chiếm khoảng 20% sản lượng bánh Trung thu của ABC Bakery và các chuỗi bánh mà chúng tôi tư vấn", ông Lực cho hay.
Giá tăng kỷ lục nhưng vẫn khả quan
Đại diện các đơn vị kinh doanh cũng cho biết, năm nay giá nguyên liệu đầu vào để làm bánh đều tăng giá mạnh. Do đó, giá bánh bán ra thị trường cũng cao hơn 15-25% so với những năm trước.
Đơn cử, bánh trung thu Kinh Đô năm nay dao động từ 55-390.000 đồng/chiếc. Thấp nhất là các loại bánh dẻo nhân hạt sen, đậu xanh, sầu riêng, sữa dừa có trọng lượng 180g được bán với giá 55.000 đồng/chiếc. Bánh dẻo jambon lạp xưởng, hạt sen hạt dưa, đậu xanh hạt dưa có giá từ 70.000-87.000 đồng/chiếc loại 230g...
Cao nhất là bánh nướng gà quay sốt X.O, 4 trứng, nặng 800g có giá 390.000 đồng/chiếc. Riêng các loại bánh cao cấp có giá từ 560.000 đến 4,9 triệu đồng sẽ ra mắt vào cuối tháng 7. Mức giá này cao hơn năm trước khoảng 20%.
Hay, thương hiệu bánh Như Lan có giá từ 50.000-750.000 đồng/cái (tùy loại). Loại có giá thấp nhất là đậu xanh, sen, môn 50.000 đồng/cái (1 trứng 150g). Loại có giá cao nhất là yến sào vi cá 750.000 đồng/cái (8 trứng, 1,2 kg).
Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ tỏ ra khá dè chừng trong việc thay đổi giá cả. Chủ cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê, Hà Nội thừa nhận giá bột mì, dầu ăn, đường,... dù không rơi vào tình trạng "cháy hàng" nhưng đều tăng từ 30-50% so với các năm trước.
Tuy nhiên, đơn vị sản xuất chấp nhận lời ít đi và vẫn giữ mức giá như mọi năm vì e ngại mất khách khi tăng giá đột ngột.
Đồng quan điểm, anh Đỗ Xuân - chủ cửa hàng bánh trung thu handmade ở Hà Đông (Hà Nội) buộc phải "tính kế" để giữ chân khách hàng.
“Loại bánh nướng năm ngoái tôi bán 30-40.000 đồng/chiếc, nếu bây giờ làm như vậy thì phải có giá từ 50-60.000 đồng/chiếc loại 180g mới có lời. Do đó, tôi buộc phải giảm trọng lượng bánh một chút để giữ giá, hoặc tăng không đáng kể.
Hiện, mỗi ngày tôi làm khoảng trên dưới 100 chiếc, chủ yếu theo đơn đặt hàng, dự kiến từ giờ đến hết tháng, số lượng đơn đặt hàng và khách mua lẻ sẽ tăng đáng kể. Cứ với tình hình này, thị trường bánh trung thu năm nay rất khả quan", anh Xuân cho hay.