Giá bất động sản giảm mạnh, nhà đầu tư vẫn không vội 'xuống tiền'

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, tình trạng nghe ngóng, chờ đợi vẫn diễn ra trên thị trường bất động sản. Nhiều nhà đầu tư có sẵn tiền vẫn tiếp tục kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm thêm. Bên cạnh đó, một bộ phận nhà đầu tư vẫn nghe ngóng những chính sách mới được thông qua và chưa có tâm lý sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Hiện số đông nhà đầu tư bất động sản vẫn duy trì trạng thái quan sát và chờ đợi. Ảnh: T.L

Hiện số đông nhà đầu tư bất động sản vẫn duy trì trạng thái quan sát và chờ đợi. Ảnh: T.L

Tâm lý chờ bất động sản giảm thêm

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường BĐS vẫn chưa sôi động trở lại.

Còn theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thời gian qua, tình hình giao dịch tại thị trường thứ cấp có sự phân hóa theo phân khúc giá. Các sản phẩm có giá trị cao hơn 20 tỷ đồng ghi nhận mức cắt giảm lên tới 30% so với đỉnh. Đồng thời, giá BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018-2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10 - 30%, thậm chí lên đến 30 - 50% giá trị đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Đức - một môi giới BĐS tại Hà Nội cho biết, thị trường đã có nhiều khởi sắc so với những tháng đầu năm, khi lượng thanh khoản đã cao hơn. Người mua đã bắt đầu rục rịch đi xem BĐS. Tuy nhiên, người mua vẫn có tâm lý chờ giá giảm thêm.

“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư dù đã tìm được sản phẩm ưng ý nhưng vẫn tiếp tục có tâm lý chờ thị trường dịp cuối năm giá giảm tiếp. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi đó thị trường sẽ có nhiều tín hiệu rõ nét hơn, rồi mới đưa ra quyết định” - ông Đức chia sẻ.

Tiền vào bất động sản phải chảy từ các ngành khác sang

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ nhận định, hầu hết các ngành kinh tế đều khó khăn thì tất nhiên cũng không có nguồn tiền đổ vào bất động sản, bởi vì tiền đầu tư vào bất động sản phải chảy từ các ngành khác sang. Với người bán cũng vậy, bây giờ bán nhà rất khó, càng giá trị cao càng khó bán.

Dưới góc độ nhà đầu tư BĐS, ông Đỗ Văn Trung ở Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, ông vẫn đi tìm các sản phẩm BĐS ở vị trí đẹp, có tiềm năng có mức giá hợp lý để mua vào. Theo ông Trung nhận định, phân khúc đất nền tại vùng ven Hà Nội - nơi có sốt đất những năm trước, hiện đã giảm giá phổ biến khoảng 20 - 50%.

“Tuy nhiên, đa phần giá đất nền, liền kề, biệt thự tại những nơi được đầu tư hạ tầng tốt đã tăng đến 50% so với thời điểm 2 năm trước, nhưng hiện tại thấy giá mới chỉ giảm 20 - 30%. Điều này khiến các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt chưa cảm thấy hấp dẫn. Tất nhiên, giá sẽ không giảm về bằng thời điểm năm 2020. Hiện nay tôi đặt mục tiêu những mảnh đất nào có giá giảm từ 40 - 50% so với đỉnh, pháp lý đầy đủ sẽ xuống tiền mua” - ông Trung cho hay.

Đã xuất hiện nhu cầu mua “bắt đáy” bất động sản

Đánh giá về thị trường, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ, cho rằng thị trường BĐS đang gặp một vấn đề là nguồn cung thì không có, giá vẫn cao và không có người mua. Bây giờ lãi suất có giảm xuống nữa thì cũng chưa chắc đã có nhiều nhà đầu tư xuống tiền, bởi vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm.

“Những người có tiền hiện nay đang phân vân giữ bài toán an toàn, một là gửi ngân hàng, hai là đầu tư vào một tài sản khác có tính ổn định và tính thanh khoản cao. Hiện tại vẫn khó xác định thị trường thời gian tới sẽ đi lên hay tiếp tục đi xuống. Nếu lãi suất giảm, thị trường có thể phục hồi một phần, bởi vì điều này sẽ tác động đến quyết định mua của một số người có nhu cầu ở thật. Còn với những nhà đầu tư, trừ khi có sản phẩm thật sự tốt thì họ mới mua. Còn không thì họ vẫn giữ trạng thái nghe ngóng” - ông Toản chia sẻ.

Theo ông Toản, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ vẫn như hiện nay và không có gì đột biến. Giao dịch có nhưng không nhiều. Nguồn cung của các dự án đang chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai. Nhưng các luật này đều đang sửa và chưa được thông qua. Tất cả đều đang trong trạng thái chờ đợi. Sang năm 2024, diễn biến của thị trường còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô.

Ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Service (DXS - FERI) cho rằng, cuối năm 2023, số đông nhà đầu tư vẫn sẽ duy trì trạng thái quan sát, không vội xuống tiền. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nhu cầu mua “bắt đáy” BĐS.

Theo ông Khôi, khi lãi suất huy động được điều chỉnh về mức thấp, đến nay đã không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng ở mức trên 8%/năm, các ngân hàng lớn đã đưa lãi suất huy động về mức xấp xỉ 6%/năm, một phần tiền gửi đáo hạn sẽ được điều chuyển sang kênh đầu tư khác ngoài tiết kiệm.

“Dòng tiền tiết kiệm sau đáo hạn một phần đi vào thị trường chứng khoán trước, sau đó sẽ quay lại thị trường BĐS, dự kiến vào cuối năm 2023, đầu năm 2024” - ông Khôi dự báo./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-bat-dong-san-giam-manh-nha-dau-tu-van-khong-voi-xuong-tien-135842.html