Giá bò thương phẩm tăng trở lại

Sau một thời gian giá thấp, người nuôi bò chịu lỗ, có nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng. Tuy nhiên, hiện giá bò trên thị trường tăng trở lại, người nuôi lãi khá, phần nào giúp hộ chăn nuôi bớt khó khăn khi giá một số loại nông sản như cà phê, tiêu, điều… xuống thấp.

Ông Nguyễn Trung Thân ở ấp 7, xã Tân Lập (Đồng Phú) cho biết: Sau gần 3 năm liền sụt giá, chăn nuôi thua lỗ, gia đình tôi đã bán bớt đàn bò thịt, chỉ duy trì khoảng 5-6 con bò cái sinh sản. Đến nay, giá bò tăng dần, chăn nuôi bắt đầu có lãi nên gia đình tôi đang gầy lại đàn. Ngoài số bò có sẵn, tôi cũng mua thêm bê để nuôi. Hy vọng giá bò sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ giá như hiện nay để người nuôi an tâm. Ông Thân cho biết thêm, năm trước giá bò hơi chỉ ở mức 60-65 ngàn đồng/kg thì nay thương lái thu mua với giá 80-100 ngàn đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất trong 3 năm qua. Thông thường với mức giá hơi 70 ngàn đồng/kg, mỗi con bò người nuôi lãi vài triệu đồng sau 1 năm nuôi.

Anh Trương Văn Đồng ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi (Đồng Phú) nuôi bò đã gần 10 năm, cho biết: “3 năm trước, bê 1 năm tuổi giá bình quân dưới 10 triệu đồng/con, nay muốn mua về vỗ béo giá từ 15 triệu đồng trở lên. Giá bò “lên ngôi” nhưng tôi rất lo vì có nhiều hộ tái đàn, sau 1 năm liệu giá bò còn cao như hiện nay? Người dân còn chạy theo phong trào, trong khi chưa tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định”. Theo tính toán của anh Đồng, bò sinh sản mỗi năm 1 con bê, nuôi 3-5 tháng có thể bán được 12-15 triệu đồng. Những hộ nuôi từ 5-7 con bò mẹ cũng lãi 50-80 triệu đồng/năm. Nuôi bò được xem là giải pháp tích vốn cho nông dân, với phương pháp nuôi phần lớn là tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và cỏ tươi. Từ chăn nuôi bò đã giúp nhiều gia đình cải thiện kinh tế.

Đàn bò của gia đình anh Trương Văn Đồng ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi (Đồng Phú) được chăm sóc tốt trước khi xuất bán

Đàn bò của gia đình anh Trương Văn Đồng ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi (Đồng Phú) được chăm sóc tốt trước khi xuất bán

Khi giá trâu, bò tăng, người chăn nuôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, ngoài đầu tư giống, người chăn nuôi còn áp dụng nhiều biện pháp để tăng hiệu quả. Ông Tôn Thất Bình ở xã Tân Tiến (Đồng Phú) cho biết: Gia đình tôi chỉ nuôi giống bò cỏ địa phương với hình thức chăn thả rông, thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào cỏ tự nhiên nên đàn bò chậm lớn, hiệu quả chăn nuôi thấp. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú, chúng tôi được hướng dẫn chuyển đổi con giống, thay đổi hình thức nuôi. Vì vậy, chúng tôi đã bán hết đàn bò cỏ, đầu tư nuôi bò lai chuyên thịt. Đồng thời, gia đình cũng làm chuồng nhốt bò, dành đất để trồng cỏ lấy thức ăn. Nhờ thể trạng to lớn, lại được ăn đủ chất dinh dưỡng nên bò lớn nhanh, khỏe mạnh.

Theo lý giải của người chăn nuôi, giá bò đang cao và có xu hướng tăng hơn trong thời gian tới là do nhu cầu thịt cung cấp ra thị trường đang bị giới hạn (thịt heo giảm sút do bệnh dịch tả heo châu Phi), đặc biệt vào dịp cuối năm; thông tin bò tăng giá đã thúc đẩy nhiều hộ chăn nuôi tái đàn, phát triển bò trở lại khiến nguồn giống khan hiếm, đẩy giá lên cao. Những người có kinh nghiệm chăn nuôi dự báo, thị trường bò cuối năm sẽ tiếp tục tăng giá khi nhu cầu thịt chất lượng cao tăng trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý. Đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để có lợi nhuận cao. Trước tình hình này, ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân chú trọng phát triển đàn bò phù hợp, nâng trọng lượng xuất chuồng, đồng thời cần nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp để kiểm soát dịch bệnh.

Điều nông dân mong muốn nhất hiện nay là Nhà nước có chính sách bảo hộ cho chăn nuôi để đầu ra ổn định, đồng thời thực hiện hiệu quả việc liên kết trong chăn nuôi; tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ...

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/gia-bo-thuong-pham-tang-tro-lai-1959