Giá cả leo thang, ngành xe điện Trung Quốc rơi vào thế khó
Chi phí đầu vào tăng cao buộc các hãng xe điện tại Trung Quốc phải tăng giá bán. Điều này gây khó cho những thương hiệu ít tên tuổi hoặc các hãng xe giá rẻ.
Theo CNBC, hàng loạt hãng xe điện tại Trung Quốc phải tăng giá xe vì chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Các nhà phân tích cho biết một số công ty như Tesla và BYD (được tỷ phú Warren Buffet rót vốn) có thể đối phó với chi phí tăng cao. Nhưng những hãng xe nhỏ, giá rẻ sẽ gặp khó khăn hơn, thậm chí buộc phải loại bỏ một số mẫu xe.
Startup xe điện Trung Quốc Xpeng đã tăng giá xe từ khoảng 10.000 NDT (1.578 USD) lên 20.000 NDT. Tesla tăng giá một số loại xe ở Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua. BYD và WM Motors cũng thực hiện một số đợt điều chỉnh giá.
Chuyển chi phí cho người tiêu dùng
Thậm chí, SAIC-GM Wuling - liên doanh giữa GM và nhà sản xuất ôtô quốc doanh SAIC - cũng tăng giá bán các mẫu xe của mình. SAIC-GM Wuling sản xuất những loại xe có chi phí thấp hơn, nhưng lại là công ty sản xuất xe điện lớn thứ hai ở Trung Quốc.
Các hãng xe gặp khó khi chi phí của những nguyên liệu thô tăng cao. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cũng ảnh hưởng đến thị trường ôtô toàn cầu.
Chẳng hạn, theo Benchmark Mineral Intelligence, giá của lithium tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm ngoái. Nickel - một vật liệu quan trọng khác - cũng tăng vọt vì những bất ổn xoay quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Hôm 8/3, trong vỏn vẹn 18 phút, giá nickel tăng dựng đứng từ hơn 50.000 USD lên 100.000 USD/tấn, khiến thị trường kim loại thế giới chao đảo.
Hầu hết khách hàng đã quyết định mua xe điện sẽ phải chấp nhận mua với giá cao hơn, chọn mẫu xe cấp thấp hơn, hoặc những thương hiệu khác phù hợp với túi tiền
Ông Jason Low, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys
Đà tăng đã đẩy ngành kim loại vào tình trạng hỗn loạn, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà giao dịch đặt cược ngược chiều và khiến Sàn giao dịch kim loại London (LME) phải ngừng giao dịch lần đầu tiên sau ba thập kỷ.
Tệ hơn nữa, sự hỗn loạn còn lan sang các thị trường khác. Giá kẽm tăng vọt 15% trong vài phút lên mức cao kỷ lục, rồi lại sụp đổ.
Giới quan sát nhận định đó là sự gián đoạn ở quy mô thị trường. Tất cả nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng khi một trong những nhà xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới bị loại bỏ khỏi thị trường.
Đến nay, nhu cầu về xe điện vẫn mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đã tăng 153,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng nguồn cung khó có thể sớm bắt kịp nhu cầu trong ngắn hạn. "Hầu hết khách hàng đã quyết định mua xe điện sẽ phải chấp nhận mua với giá cao hơn, chọn mẫu xe cấp thấp hơn, hoặc những thương hiệu khác phù hợp với túi tiền", ông Jason Low - nhà phân tích tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys - nói với CNBC.
Rơi vào thế khó
Nhu cầu của người tiêu dùng còn mạnh mẽ, nhưng các hãng xe điện vẫn gặp khó trong việc chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng, nhất là những thương hiệu ít tên tuổi hoặc các hãng xe giá rẻ.
“Các thương hiệu tầm trung và cấp thấp có thể gặp một số thách thức khi chi phí gia tăng. Do đó, họ sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ngừng bán một số mẫu xe nhất định", ông Bill Russo - Giám đốc điều hành tại Automobility Limited (có trụ sở ở Thượng Hải) - nhận định.
Ora - một thương hiệu xe điện trực thuộc Great Wall Motors của Trung Quốc - đã dừng bán 2 mẫu xe. Công ty cho biết mẫu Black Cat đang lỗ 10.000 NDT (1.569 USD)/chiếc do chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
"Một khi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu vẫn tác động tiêu cực tới chi phí đầu vào, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều công ty rời khỏi thị trường"", ông Russo nhận định.
Ông cho rằng cuối cùng, cuộc đua xe điện của Trung Quốc sẽ chỉ còn lại số lượng ít "người chơi" mạnh.
BYD và Tesla là 2 trong số những công ty có vị thế tốt nhất vào thời điểm hiện tại ngay cả khi giá xe tăng, theo ông Low và Russo.
Một phần là do chuỗi cung ứng pin và các thành phần khác của họ vẫn được đảm bảo tốt. BYD tự sản xuất pin, còn Tesla đã xây dựng một "siêu nhà máy" ở Thượng Hải nhằm phục vụ thị trường Trung Quốc.
Hãng xe của tỷ phú Elon Musk cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung cấp pin CATL.
“Những nhà sản xuất xe điện quy mô lớn như Tesla, BYD và các công ty ôtô truyền thống chuyển hướng sang xe điện như Volkswagen đã thiết lập một chuỗi cung ứng đủ mạnh, giúp đối phó với mọi tình trạng tắc nghẽn và tăng giá của chuỗi cung ứng", ông Russo nhận định.