Giá cà-phê cao nhất trong 10 năm - cơ hội của ngành cà-phê Việt Nam
Sau một thời gian tích lũy, giá cà-phê Arabica và cà-phê Robusta đồng loạt bứt phá lên các mức cao nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân Việt Nam khi chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch.
Thị trường cà-phê khởi sắc trong giai đoạn cuối năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 11, giá cà-phê Arabica kỳ hạn tháng 3 trên Sở ICE US đã tăng 9,98% lên mức 230 cents/pound, cao nhất kể từ tháng 1/2012 đến nay.
Trong khi đó, giá cà-phê Robusta kỳ hạn tháng 1 trên Sở ICE EU cũng đã tăng mạnh gần 6% và có thời điểm đã vượt quá mốc 2.300 USD/tấn, lần đầu tiên để từ tháng 8/2011.
Giá cà-phê tăng mạnh khiến dòng tiền của giới đầu tư trong nước cũng bị thu hút vào thị trường này. Theo Trung tâm Thanh toán Bù trừ MXV, giá trị giao dịch trung bình của 2 mặt hàng cà-phê đạt hơn 800 tỷ đồng/phiên trong hai tuần đầu tháng 11, tăng gần 15% so với tháng 10. Bên cạnh dòng tiền đầu cơ, các doanh nghiệp cũng tích cực thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro khi chuẩn bị đến giai đoạn bán hàng sôi động nhất trong năm.
Những vấn đề về nguồn cung là nguyên nhân khiến lực mua tăng mạnh và đẩy giá hai mặt hàng cà-phê lần lượt tăng vọt trong thời gian gần đây. Đối với cà-phê Arabica, giá đã bắt đầu tăng khi hạn hán và sương giá tàn phá mùa vụ cà-phê của Brazil. Trong báo cáo gần nhất, Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (Conab) đã cắt giảm ước tính sản lượng cà-phê Arabica niên vụ 2021/22 của nước này xuống mức 30,7 triệu bao (loại 60kg), giảm 8% so với báo cáo gần nhất hồi cuối tháng 05.
Thời tiết khô hạn hồi cuối năm ngoái là nguyên nhân chính dẫn đến mức sụt giảm trên. Vì thế, khi mà trung tâm khí tượng thủy văn Mỹ (NOAA) dự báo mô hình thời tiết La Nina sẽ mạnh lên trong 3 tháng tới, lo ngại về tình trạng hạn hán kéo dài tại khu vực Nam Mỹ ảnh hưởng đến sản lượng cà-phê một lần nữa khiến lực mua tăng mạnh.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà-phê Brazil (Cecafé), lũy kế 3 tháng đầu niên vụ 2021/22, xuất khẩu cà-phê của Brazil đạt 8,817 triệu bao, giảm 20% so với 3 tháng đầu niên vụ 2020/21. Việc đồng Real Brazil tăng mạnh trong nửa đầu tháng 11 cũng khiến cho việc bán hàng của nông dân Brazil chậm lại, dấy lên lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt. Hiệp hội Cà-phê Nhân xanh (GCA) cho biết, tồn kho cà-phê tháng 10 của Mỹ giảm xuống còn 5,98 triệu báo, giảm -0,8% so với tháng trước và -2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh Brazil, nguồn cung tại Colombia, quốc gia sản xuất cà-phê Arabica lớn thứ hai thế giới, cũng không được bảo đảm. Hiệp hội những nhà sản xuất cà-phê Colombia đã cắt giảm ước tính cà-phê niên vụ 2021/22 của nước này xuống mức 13 - 13,5 triệu bao, thấp hơn mức 14 triệu bao trong ước tính trước đó do lượng mưa dư thừa khiến năng suất thấp hơn dự kiến. Những tin tức này đã hỗ trợ giá cà-phê Arabica phá kháng cự và bật tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.
Đối với cà-phê Robusta, nguồn cung vẫn đang thấp hơn so với một năm trước. Tình trạng thiếu container và chuỗi cung ứng đứt gãy do đại dịch Covid-19 quay trở lại đã khiến xuất khẩu cà-phê của Việt Nam, quốc gia sản xuất cà-phê Robusta lớn nhất thế giới, sụt giảm.
Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 99.249 tấn cà-phê trong tháng 10, giảm 1,1% so với tháng trước. Bên cạnh đó, lũy kế xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay của Việt Nam cũng đang thấp 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình còn trở nên tệ hơn nữa khi vào tháng 11 này, mưa lớn tại khu vực Tây Nguyên đang cản trở việc thu hoạch và gây ảnh hưởng đến chất lượng của hạt cà-phê. Điều này sẽ khiến cho tiến độ thu hoạch chậm hơn và đợt hàng cà-phê mới sẽ không thể đến trước cuối tháng 12 năm nay. Thông tin trên đã hỗ trợ và khiến cho giá Robusta leo lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm gần nhất.
Triển vọng giá cà-phê trong giai đoạn cuối năm
Nếu xét về giá cà-phê xuất khẩu thì năm 2011 lập đỉnh cao nhất là 2.600 USD/tấn, hiện nay giá cà-phê chỉ mới đạt mức 2.350 USD/tấn, còn thiếu 250 USD nữa mới đạt mức đỉnh năm 2011, như vậy giá cà-phê vẫn còn cửa để tăng.
Công ty tư vấn Fitch Solutions dự báo giá cà-phê có thể duy trì cao đến năm 2022, không chỉ vì sản lượng thu hoạch sụt giảm, mà còn nhờ “nhu cầu cà-phê, ít nhất là ở Châu Âu và Mỹ, sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi những hạn chế để chống Covid-19 được dỡ bỏ, cho phép các quán cà-phê được mở cửa trở lại", Fitch Solutions nhận định. Công ty tư vấn này đã nâng dự báo giá bình quân cà-phê arabica năm 2022 từ 1,25 USD/pound lên 1,5 USD/pound.
Trong khi mùa thu hoạch cà-phê của các nước ở Bán cầu nam (Brazil, Colombia…) thường từ tháng 5 đến tháng 10, thì Việt Nam thu hoạch cà-phê từ tháng 11 hằng năm đến hết tháng 4 năm sau.
Vụ thu hoạch mới tại vùng cà-phê Tây nguyên đã bắt đầu, việc giá cà-phê tăng cao đang khiến nông dân trồng cà-phê rất hào hứng, Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân công để tăng cường thu hái đang là vấn đề không nhỏ. Người trồng cà-phê kỳ vọng chính quyền các địa phương sớm có biện pháp hỗ trợ để thu hoạch vụ mùa mới diễn ra thuận lợi.
Như vậy, thời điểm này, tuy Việt Nam bắt đầu thu hoạch cà-phê, nhưng đang ở thế “một mình một chợ”, nên thành hay bại trong xuất khẩu cà-phê thời điểm này là nằm trong thế chủ động của các doanh nghiệp cà-phê Việt Nam, nếu biết điều tiết sản lượng bán ra hợp lý và biết đàm phán với đối tác để đạt được hợp đồng giá có lợi nhất.
Các chuyên gia khuyến cáo, tranh thủ thị trường đang có mức giá tốt như hiện nay, các nhà sản xuất Việt Nam nên sớm thúc đẩy đưa hàng vụ mới ra thị trường. Bởi nếu muộn hơn, khi Fed tăng lãi suất, đồng thời với sản lượng của Brazil năm sau có thể được mùa sẽ đẩy giá cà-phê đi xuống.