Giá cà phê, cao su khó lập đỉnh mới
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thời gian tới, giá cà phê Việt Nam vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước nhưng khó có thể vượt đỉnh lịch sử gần 135.000 đồng/kg, bất chấp giá cà phê thế giới có thể xuất hiện những nhịp tăng mới. Với thị trường cao su, giá khó có thể quay lại đỉnh cũ hay thiết lập mức đỉnh mới trong quý III, chủ yếu vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm.
PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường cà phê, cao su trong nước và thế giới từ tháng 6/2024 đến nay?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng, từ đầu tháng 6 đến nay, cả thị trường cà phê và cao su đều biến động rõ nét. Trong đó, trên thị trường cà phê, đặc biệt là giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã phá vỡ mức giá kỷ lục được thiết lập vào cuối tháng 4 khi tạo đỉnh mới tại 4.849 USD/tấn vào ngày 12/7. Tính đến hết ngày 24/7, giá cà phê Robusta giao dịch tại 4.572 USD/tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Tương đồng với xu hướng giá cà phê thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng ghi nhận mức tăng 7.000 đồng/kg trong hai tuần đầu tháng 7. Tuy nhiên, đà tăng trên chưa đủ để giá cà phê nội phá vỡ đỉnh lịch sử 134.400 đồng được thiết lập vào ngày 30/4. Tính đến ngày 24/7, giá cà phê Việt Nam ghi nhận trên 126.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Tại thị trường cao su, giá cao su RSS3 trên Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (OSE) và giá cao su tự nhiên trên Sở Giao dịch Thượng Hải (SHFE) cùng chung xu hướng. Cụ thể, vào ngày 7/6, giá cao su trên Sở OSE đạt mức cao nhất trong 13 năm, đóng cửa tại 2.242 USD/tấn; đồng thời, giá cao su trên Sở SHFE cũng chạm mức cao nhất trong gần 3 năm, tại 2.131 USD/tấn. Từ đỉnh, giá cao su trên cả hai sở thiết lập nhịp điều chỉnh giảm kéo dài đến hiện tại. Tính đến hết ngày 24/7, giá cao su RSS3 ghi nhận 2.111 USD/tấn, giảm gần 7% so với mức đỉnh đầu tháng, giá cao su tại Trung Quốc dừng ở mức 1.974 USD/tấn, giảm 157 USD/tấn.
Trái chiều với diễn biến giá thế giới, giá cao su xuất khẩu từ Việt Nam vẫn ghi nhận sự khởi sắc từ đầu tháng 6 tới nay. Trong 15 ngày đầu tháng 7, mỗi tấn cao su xuất khẩu thu về 1.662 USD/tấn, thấp hơn so với giá thế giới nhưng tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng qua?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, thiếu hụt nguồn cung là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng lên tâm lý thị trường và diễn biến giá cà phê, cao su trong gần 2 tháng qua.
Trên thị trường cà phê, lo ngại thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là sự thu hẹp sản lượng tại các quốc gia sản xuất chính như Việt Nam và Brazil đã giữ giá neo cao và xác lập đỉnh mới.
Tại Việt Nam, sản lượng cà phê vụ mới 2024-2025 dự kiến giảm sâu, về mức thấp nhất 13 năm trong khi nguồn cung vụ mới cạn kiệt, khiến hoạt động xuất khẩu trở nên trầm lắng. Trong tháng 6, nước ta chỉ xuất đi 70.202 tấn cà phê, giảm 11,5% so với tháng trước và chỉ bằng gần một nửa lượng cà phê xuất khẩu vào tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu từ nước ta đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hãng tư vấn Safras & Mercado cắt giảm dự báo khoảng 4,3 triệu bao cà phê vụ 2024-2025 tại Brazil so với dự báo ban đầu, về 66,04 triệu bao. Riêng cà phê Robusta thấp hơn gần 3 triệu bao so với ban đầu do năng suất thấp hơn kỳ vọng.
Về phía cao su, nguồn cung eo hẹp cũng là nguyên nhân quan trọng giúp giá thế giới không điều chỉnh giảm quá mạnh và giá cao su xuất khẩu tại Việt Nam tiếp tục tăng cao kể từ tháng 6 tới nay.
Sự chuyển pha giữa El Nino và La Nina gây ra các tác động xấu đối với mùa vụ. Trước bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã tăng dự báo thâm hụt cao su toàn cầu lên tới 1,24 triệu tấn trong năm 2024.
Tại Việt Nam, dù đang là giai đoạn thu hoạch cao su nhưng lượng cao su đưa ra thị trường không nhiều. Ước tính sản lượng cao su trong 3 tháng đầu năm tại nước ta giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong tháng 6/2024, nước ta chỉ xuất đi khoảng 150.000 tấn cao su, trị giá 238 triệu USD; giảm 17% về lượng nhưng chỉ giảm 0,7% về trị giá so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu hơn 726.000 tấn cao su, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
PV: Dự báo giá cà phê, cao su trong nước và thế giới thời gian tới sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, trong thời gian tới, giá cà phê Việt Nam khả năng vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước nhưng khó có thể vượt đỉnh lịch sử gần 135.000 đồng/kg, bất chấp giá cà phê thế giới có thể xuất hiện những nhịp tăng mới. Yếu tố nguồn cung, bao gồm hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam, Brazil hay Indonesia sẽ tiếp tục là những tâm điểm chú ý trong ngắn hạn. Về dài hạn, sự chuyển biến của thời tiết sẽ là yếu tố cần theo dõi sát sao, khi đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu tác động lên nguồn cung.
Với thị trường cao su, giá thế giới khó có thể quay lại đỉnh cũ hay thiết lập mức đỉnh mới trong quý III, chủ yếu vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Nguồn cung thiếu hụt dù chưa thể bổ sung kịp thời nhưng nhu cầu về cao su có dấu hiệu chững lại, khiến giá khó có thể bật tăng. Trong khi đó, nhu cầu cao su trầm lắng hơn, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu cao su lớn nhất của nước ta sẽ khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh giảm trong một vài tháng tới. Dù vậy, giá vẫn chưa giảm mạnh khi sự khởi sắc về nhu cầu cao su tại Ấn Độ, thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam, cùng một số quốc gia khác có thể bù đắp phần nào khoảng trống từ Trung Quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng lên thị trường và diễn biến giá
Thiếu hụt nguồn cung là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng lên tâm lý thị trường và diễn biến giá cà phê, cao su trong gần hai tháng qua. Nguồn cung eo hẹp khiến giá thế giới không điều chỉnh giảm quá mạnh và giá cà phê, cao su xuất khẩu tại Việt Nam tiếp tục tăng cao kể từ tháng 6 tới nay.