Giá cà phê, đường biến động ra sao trong những tháng đầu năm?
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, vấn đề nguồn cung cà phê hiện tại chưa được giải quyết với căng thẳng Biển Đỏ kéo dài, lượng tồn kho thấp tại các thị trường tiêu thụ có thể giúp giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới. Còn giá đường phục thuộc nguyên liệu đầu vào cải thiện trong thời gian tới. Do đó, giá sẽ còn nhiều biến động nhưng khó trở lại mức đỉnh thiết lập năm 2023.
PV:Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá đường, cà phê trong nước và thế giới 2 tháng đầu năm 2024?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng 2 tháng đầu năm nay, thị trường cà phê biến động mạnh. Đáng chú ý, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã chạm mức cao nhất 30 năm qua vào ngày 9/2, với mức giá đóng cửa 3.349 USD/tấn. Trước khi đạt đỉnh, giá Robusta đã ghi nhận đà tăng ấn tượng ngay trong tháng 1.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá cà phê thế giới đã tăng 19% trong tháng 1, cao hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 2, đà tăng giá đã chững lại, nhưng vẫn duy trì tại vùng giá kỷ lục. Tính chung cả hai tháng, giá cà phê Robusta trên Sở ICE-EU tăng vọt 60% so với mức giá trung bình hai tháng đầu năm ngoái.
Cùng chiều với cà phê, giá đường thế giới trong 2 tháng đầu năm cũng có sự khởi sắc. Theo ghi nhận từ MXV, giá đường 11 trên Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE-US) tính đến hết tháng 2 đã tăng 18% so với thời điểm cuối năm ngoái, cũng như cùng kỳ năm trước.
Trái lại, giá đường nội địa chứng kiến sự dịu lại so với giai đoạn cuối năm trước. Cụ thể, giá đường ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giao động trong khoảng 20.800 - 22.600 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức 21.200 - 23.200 đồng/kg vào cuối năm 2023.
PV:Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm từ đầu năm đến nay?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, tâm lý lo ngại nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt là nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, do căng thẳng trên Biển Đỏ, lượng cà phê vận chuyển từ châu Á sang Mỹ và châu Âu giảm so với mức bình thường. Thêm vào đó, những thông tin đồn đoán về việc nông dân Việt Nam hạn chế bán cà phê để chờ giá lên cao hơn đã lan truyền rộng rãi trong những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, rủi ro về nguồn cung cà phê càng được đẩy lên khi tồn kho ở mức thấp. Tính đến ngày 20/2, tổng lượng Robusta đang lưu trữ tại Sở ICE-EU đã giảm về 19.580 tấn. Đây là một trong những mức thấp nhất trong lịch sử.
Với giá đường, hai tháng đầu năm, giá đường hồi phục chủ yếu đến từ tâm lý bớt lạc quan về triển vọng nguồn cung đường vụ 24/25 tại Brazil. Giới quan sát lo ngại lượng mưa thấp tại khu vực Trung Nam, vùng trồng mía đường chính của Brazil, khiến sản lượng giảm trong niên vụ 24/25. Trước đó, Tereos dự đoán lượng mía tại khu vực này sẽ giảm 60 triệu tấn so với vụ 23/24, về còn 600 triệu tấn trong vụ mới.
Trong nước, giá đường tương đối ổn định thời gian qua là do độ trễ từ tác động của giá đường thế giới.
PV: Dự báo giá đường, cà phê trong nước và thế giới trong thời gian tới sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Như tôi đã phân tích ở trên thì nhiều khả năng giá Robusta vẫn sẽ neo ở vùng đỉnh 30 năm, ít nhất là hết quý I năm nay. Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô có thể còn thiết lập những mức đỉnh mới trước bối cảnh rủi ro nguồn cung ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng khô hạn kéo dài tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của nước ta đang dẫn đến lo ngại triển vọng nguồn cung cà phê kém tích cực cho vụ mới 24/25.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn cung hiện tại chưa được giải quyết với căng thẳng Biển Đỏ kéo dài và lượng tồn kho thấp tại các thị trường tiêu thụ. Tính đến ngày 4/3, lượng Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm 120 tấn, về còn 23.470 tấn, bấp bênh tại vùng thấp lịch sử.
Hiện thị trường đang giảm bớt cái nhìn tích cực về triển vọng nguồn cung vụ mía đường 24/25 tại Brazil, nhưng lại đang nhìn thấy sự cải thiện từ Ấn Độ và Thái Lan. Mới đây, Tập đoàn Wilmar cho biết, vụ mía đường tại Ấn Độ và Thái Lan đang cho kết quả tốt hơn dự kiến trong giai đoạn thu hoạch. Nguyên liệu đầu vào cải thiện đã thúc đẩy nguồn cung đường cải thiện trong thời gian tới. Do đó, theo tôi, giá đường sẽ còn nhiều biến động trong thời gian tới và khá khó để trở lại mức đỉnh thiết lập năm 2023.
PV: Xin cảm ơn ông!
Giá cà phê nội địa tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ
Ông Nguyễn Đức Dũng cho hay, theo đà tăng của giá cà phê thế giới, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa cũng liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Trong đó, vào ngày 22/2, giá cà phê trong nước đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới khi tiệm cận 84.000 đồng/kg. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá cà phê nội địa đạt 76.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi mức giá 42.600 đồng/kg trong cùng kỳ năm trước. Chỉ trong hai tháng, giá cà phê đã tăng khoảng 15.000 đồng/kg, tương đương 23% so với đầu năm.