Giá cà phê hôm nay 13/5: dự báo tăng trở lại sau 2 tuần giảm mạnh
Giá cà phê hôm nay 13/5 trong khoảng 100.000 - 105.000 đồng/kg. Sau 2 tuần giảm mạnh, giá cà phê đang 'dò đáy'. Giá cà phê tuần này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các chính sách tiền tệ và sự lên xuống của đồng USD.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 100.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 101.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 100.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 101.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 100.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 100.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 100.400 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 100.500 đồng/kg.
Thị trường cà phê trong nước giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 1 USD/tấn, ở mức 3.440 USD/tấn, giao tháng 9/2024 giảm 2 USD/tấn, ở mức 3.362 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 0,3 cent/lb, ở mức 201,15 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 0,05 cent/lb, ở mức 199,95 cent/lb.
Tổng kết tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 101 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,55 cent. Giá cà phê nội địa mất trung bình 1.500 đồng/kg.
Cuối tuần trước, cà phê 2 sàn giảm trở lại, do một số đợt bán kỹ thuật trước khi nghỉ cuối tuần và cũng ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh hơn. Tuy nhiên giá cà phê cơ bản vẫn còn nhận được hỗ trợ từ thông tin lượng mưa không đủ ở Việt Nam và Brazil.
Nhận định về thị trường tuần này, chuyên gia cho rằng sau 2 tuần giảm mạnh, giá cà phê đang "dò đáy". Giá cà phê tuần này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các chính sách tiền tệ và sự lên xuống của đồng USD. Có thể có đợt tăng nhẹ tuần này để cân đối lại lượng mua bán trên sàn.
Trong những tháng qua, tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài đã khiến cho lượng nước cạn kiệt, gây khó khăn cho việc tưới nước cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê ở các địa phương vùng Tây Nguyên. Đến nay, một số vùng trong đã xuất hiện mưa cục bộ đã giúp người dân áp dụng các biện pháp “giải hạn”, phục hồi vườn cây.
Để phục hồi vườn cà phê sau hạn hán, theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các nhà vườn cần áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, căn cứ theo mức độ thiệt hại. Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản, giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi.
Đối với diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô, vàng trái non do thiếu nước, bà con cần tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu bệnh như các loại rệp vẩy xanh, rệp sáp có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn.
Còn tại những vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình, năng suất giảm ở mức 30% thì tiến hành đốn tỉa và tạo tán, cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá càng sớm càng tốt. Qua đó, giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang trái, hạn chế rụng trái những tháng tiếp theo. Trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại.