Giá cà phê hôm nay 16/8/2024: Giá cà phê robusta nối đà tăng gần 100 USD, xuất hiện diễn biến mới liên quan Luật EUDR của châu Âu
Thị trường toàn cầu đang phải đối mặt với thời điểm quan trọng, các dự báo cho thấy giá cà phê sẽ còn giữ mức cao. Các yếu tố cơ bản góp phần giữ giá cao mới được cho là do tình trạng hạn chế về nguồn cung và xu hướng tiêu dùng thay đổi, đặc biệt ở châu Á.
Giá cà phê hôm nay 16/8/2024
Giá cà phê thế giới lại có phiên tăng mạnh trên cả 2 sàn khi đồng Real tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng so với thời điểm hôm qua, hiện giao dịch trong khoảng 118.500 - 119.000 đồng/kg.
Chuyên gia cho biết, phấn khích với tin lạm phát của Mỹ giảm, đồng nội tệ của Brazil tăng cao đã hỗ trợ cho cà phê trên sàn New York rất nhiều phiên vừa qua. Ngay từ đầu tuần, các nhà phân tích đã dự đoán về tình hình trong tuần này khi thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ công bố vào ngày 14/8. Giới đầu cơ kỳ vọng lạm phát giảm so với tháng trước, đây sẽ là chỉ dấu để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất kỳ họp tới.
Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của đồng Real mạnh lên khi đụng đến mức cao nhất trong 4 tuần qua, giúp hạn chế sự bán ra từ nông dân, Brazil đồng thời kích hoạt sự thanh lý vị thế bán của những nhà đầu cơ bán khống trước đây, đã khiến cho giá tăng liên tiếp trong hai phiên.
Cùng với đó, các quỹ và đầu cơ đang dịch chuyển dòng vốn từ sàn ngũ cốc sang sàn nông sản, khiến ngành hàng cà phê hưởng lợi. Bên cạnh đó, những dư âm do thông tin về 2 ngày lạnh nhất kể từ đầu mùa Đông Brazil đến nay vẫn còn, đã được tận dụng trên thị trường để đẩy giá lên mức cao.
Thông tin về hàng tồn kho, lượng hàng tồn kho cà phê robusta tại Sàn giao dịch London, được chứng nhận được nắm giữ, giảm 21.833 bao tính đến ngày 12/8, tổng cộng hiện tồn kho 1.025.166 bao, trong đó loại cà phê robusta Brazil chiếm hơn 90%.
Lượng tồn kho cà phê arabica trên Sàn New York được cho là tiếp tục tăng dần dần, đạt gần mức đã được thấy vào tháng 2/2023. Lượng tăng arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ tính đến ngày 14/8 là 3.137 bao, đạt mức 825.633 bao.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày (15/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 99 USD, giao dịch tại 4.571 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 86 USD giao dịch tại 4.378 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng tăng tiếp, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 2,90 Cent, giao dịch tại 239,90 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng 3,40 Cent, giao dịch tại 238,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 15/8 tăng 300 - 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Sự tương tác giữa nguồn cung và nhu cầu đang tạo ra một cơn bão hoàn hảo, khiến giá cà phê tăng cao. Một số phân tích dự kiến giá cà phê tại các siêu thị sẽ tăng tới 30% vào năm 2025.
Hiện giá cà phê đã tăng gần 2,5 lần so với thời điểm này năm trước. Sở dĩ giá cà phê xuất khẩu tăng là do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng, nhưng nguồn thu đang giảm, đặc biệt là lượng cà phê niên vụ 2023-2024 hiện nay chỉ còn số lượng hạn chế.
Theo Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, nguồn cung Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 148.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023-2024 (từ tháng 8/2024 đến đến hết tháng 9/2024). Trong khi đó, niên vụ mới đến tháng 10/2024 mới bắt đầu cho thu hoạch. Nguồn cung không nhiều có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, xuất hiện diễn biến mới nhất đang làm "nóng" thị trường cà phê những ngày gần đây liên quan Luật chống phá rừng (EUDR) của châu Âu. Theo đó, các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức thương mại cà phê nổi tiếng gần đây đã đưa ra lời kêu gọi riêng tới các nhà lãnh đạo châu Âu để hành động ngay lập tức đối với các vấn đề liên quan đến Luật chuỗi cung ứng không phá rừng mới của EU (EUDR), trước khi thực thi luật mới, dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12 tới.
Trong một tuyên bố công khai vào ngày 9/8, tổ chức tập trung vào nông dân Fairtrade International đã cảnh báo rằng một số nhà sản xuất nhất định có thể bị “cắt khỏi hoạt động thương mại với thị trường EU hoặc bị các nhà sản xuất lớn hơn đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng, không phải vì họ canh tác trên đất bị phá rừng, mà vì họ phải đối mặt với những thách thức trong việc thu thập, quản lý và gửi dữ liệu cần thiết”.
EUDR được thiết kế để ngăn chặn nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng sản phẩm của châu Âu liên quan đến cà phê, ca cao, gia súc, dầu cọ, đậu nành và gỗ, luật này kêu gọi các hình phạt tài chính và các hình phạt liên quan đến thị trường khác đối với các công ty châu Âu không đáp ứng các yêu cầu về thẩm định và báo cáo.
Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Giacaphe.com, nếu EU khăng khăng áp dụng điều luật này như dự kiến (31/12/2024), chắc chắn sẽ tác động xấu đáng kể lên kế hoạch xuất khẩu vụ mùa của Việt Nam, trước tiên nhằm vào vụ 2024/2025. Điều luật sẽ gây ra sự tắt nghẽn xuất khẩu cà phê robusta của Việt nam, trong khi giá tại thị trường châu Âu sẽ tăng đột biến. Một số nhà sản xuất cà phê hòa tan dường như đã cảm nhận được điều này nên đã tăng cường củng cố hệ thống kho tàng để có thể thu mua lượng cà phê nguyên liệu lớn hơn trong vụ tới, tất nhiên họ kỳ vọng sẽ mua được với giá rẻ hơn bởi sản phẩm cà phê hòa tan không bị chi phối bởi điều luật này.