Giá cà phê hôm nay 16/8: Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu cà phê thô
Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ 300-400 đồng/kg tùy vùng trồng, chung xu hướng tăng với giá thế giới. Lượng nhập khẩu cà phê, trà và gia vị của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 tăng vọt 32,5% so với cùng kỳ năm trước, có nơi nhập khẩu cà phê tăng 366%.
Giá cà phê hôm nay ngày 16/8/2024 tại thị trường trong nước
Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên nhích tăng 300-400 đồng/kg tùy vùng trồng. Qua đó đưa mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 117.300 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên. Cụ thể:
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng 300 đồng/kg, lên mức 117.600 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng cũng tăng 300 đồng/kg, đạt 116.900 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 400 đồng/kg, đạt 117.400 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 300 đồng/kg, đạt 117.600 đồng/kg, bằng mức giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk và là giá thu mua cà phê cao nhất tại khu vực Tây Nguyên hôm nay.
Lưu ý: Các mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, lượng nhập khẩu cà phê, trà và gia vị của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 đạt 8,78 tỷ NDT (tương đương 1,22 tỷ USD), tăng vọt 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cà phê của tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đạt 1,45 tỷ NDT, đứng đầu cả nước, tăng 366% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37% tổng giá trị nhập khẩu cà phê của Trung Quốc. Hải quan Nam Kinh cho biết gần 90% trong số này là hạt cà phê thô.
Bà Wang Rui - Giám đốc bán hàng tại Suzhou Sudou International Trade Co tại Tô Châu, Giang Tô, nhận định nhu cầu cà phê tại Trung Quốc, đặc biệt là cà phê cao cấp, đã tăng đáng kể và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm.
Theo bà Wang, sự gia tăng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc phần lớn là do tốc độ đô thị hóa nhanh và lối sống thay đổi của thế hệ trẻ, những người bị thu hút bởi sự tiện lợi và các khía cạnh xã hội của văn hóa cà phê.
Bà Wang cho hay ngoài việc nhập khẩu hạt cà phê từ Brazil, Colombia, Ethiopia và Uganda, Suzhou Sudou đã mở rộng khối lượng mua hàng từ các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Ecuador và Mỹ trong những năm gần đây.
Còn theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 7/2024, nước ta đã xuất khẩu 76.982 tấn cà phê, thu về 381,17 triệu USD, lần lượt tăng 9,7% về lượng và 18,2% về trị giá so với tháng 6. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu cà phê đạt 979.353 tấn, trị giá 3,61 tỷ USD, giảm 12,4% về lượng nhưng tăng mạnh 33,5% về trị giá, nhờ giá cà phê xuất khẩu cũng tăng từ 2.418 USD/tấn cùng kỳ năm trước lên 3.683 USD/tấn tại kỳ này, tương ứng tăng tới 52%.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 1 ghi nhận tăng tới 139% về lượng xuất khẩu cà phê, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm, có tháng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sản lượng cà phê vụ 2024/2025 của Việt Nam sẽ giảm 15 - 20% so với vụ hiện tại. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường. Nhiều chuyên gia nhận định nguồn cung dần khan hiếm, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng tháng. Lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể chỉ cải thiện từ cuối năm khi vụ mới được thu hoạch.
Giá cà phê hôm nay ngày 16/8/2024 tại thị trường thế giới
Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới hôm nay tiếp tục tăng trên 2 sàn giao dịch. Cụ thể:
Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng 1,65%, đạt 4.564 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 cũng tăng nhẹ 0,84%, lên mức 239,00 US cent/lb.
Sự kết hợp giữa nguồn cung không đủ và nhu cầu cao đang tạo nên một "cơn bão hoàn hảo", gây ra sự tăng giá đột biến của cà phê.
Thị trường cà phê hiện đang đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn từ điều kiện thời tiết không ổn định ở các quốc gia sản xuất, biến đổi khí hậu toàn cầu, đến những lo ngại về tình hình địa chính trị, tất cả đều chưa có dấu hiệu cải thiện.