Giá cà phê hôm nay 19/2/2023: Giá cà phê robusta cao nhất 2 tuần, robusta lên đỉnh 4 tháng, Việt Nam thúc đẩy vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn

Giá cà phê arabica tăng mạnh lên mức cao gần 4 tháng và giá cà phê robusta đạt mức cao nhất 2 tuần, theo Barchart.com.

Giá cà phê hôm nay 19/2/2023

Giá cà phê thế giới liên tục "ghi điểm" trên các sàn kỳ hạn, hồi phục nhanh nhờ lực mua bù của các quỹ và đầu cơ… để giao cho các hợp đồng đã bán khống trước đó. USDX sụt giảm liên tiếp đã hỗ trợ giá cả các loại hàng hóa nói chung và kích thích các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường cà phê kỳ hạn để mua vào.

Ghi nhận tại phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 17 USD (0,92%), giao dịch tại 2.085 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 26 USD (1,35%), giao dịch tại 2.098 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 5,50 Cent/lb (3,11%), giao dịch tại 185,75 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 4,70 Cent/lb (2,62%), giao dịch tại 184,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Theo xu hướng tăng của thị trường thế giới, giá cà phê trong nước nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng qua các phiên từ 400 – 500 đồng, lên dao động trong khung 44.900 – 50.000 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước tăng 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong phiên giao dịch cuối tuần (18/2).

Giá cà phê trong nước tăng 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong phiên giao dịch cuối tuần (18/2).

Báo cáo tồn kho trên cả hai sàn phái sinh ghi nhận tăng nhẹ trong những ngày gần đây, khi giá cả đã có phần cải thiện trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn.

Thời tiết là yếu tố thường trực ảnh hưởng tới nguồn cung, trong đó, hiện tại, mưa lớn gần đây và sẽ còn mưa tiếp tại Minas Gerais, bang trồng cà phê arabica chính của Brazil khiến nông dân không thể ra đồng để chăm sóc và cây trồng càng thêm nhiều sâu bệnh làm năng suất cà phê vụ tới có thể sụt giảm.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nướctăng 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong phiên giao dịch cuối tuần (18/2).

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến ngành cà phê toàn cầu nói chung và các vùng nguyên liệu của Việt Nam nói riêng. Hiện các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt các yêu cầu nhập khẩu đối với mặt hàng cà phê với các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính.

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn, phát thải thấp, không phá rừng, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân là giải pháp căn cơ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU.

Tổ chức IDH, Cục Trồng Trọt và diễn đàn Cà phê toàn cầu vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất cà phê giảm phát thải, triển khai dự án sản xuất cà phê phát thải thấp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 tại 4 tỉnh Tây Nguyên.

Gần một thập kỷ qua, IDH nỗ lực cùng JDE Peet’s, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên, các công ty cà phê triển khai thử nghiệm cách tiếp cận cảnh quan và thực hành sản xuất cà phê bền vững để xây dựng gần 100.000 ha vùng nguyên liệu cà phê và hồ tiêu, giúp giảm phát thải 60% và tăng 15% thu nhập cho 15.000 hộ sản xuất cà phê và hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài mục tiêu nhân rộng tiếp cận cảnh quan, sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập nông hộ trên 85.000 ha đất nông nghiệp và 150.000 ha đất rừng, Chương trình Cảnh quan/Cà phê IDH và các đối tác sẽ tiến hành thí điểm các mô hình đo lường, báo cáo phát thải và xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, tạo động lực tái đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững giảm phát thải.

Ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”, tổng diện tích khoảng 200.000 ha, trong đó, cà phê chiếm khoảng 10% với các yêu cầu áp dụng các thực hành sản xuất đạt chuẩn; Các đầu tư công được phân bổ hợp lý, đúng mục tiêu nhằm hỗ trợ ngành hàng phát triển; Nông dân trong vùng cần được tổ chức trong các tổ chức của họ để tạo ra các đầu mối liên kết chuỗi, liên kết thị trường; Nông dân cần được chuyên nghiệp hóa, tri thức hóa để có thể đạt được trình độ tối thiểu về sản xuất an toàn, bền vững; Số hóa thông qua truy xuất nguồn gốc, tăng cường minh bạch quy trình sản xuất tại các vùng nguyên liệu.

(tổng hợp)

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-1922023-gia-ca-phe-robusta-cao-nhat-2-tuan-robusta-len-dinh-4-thang-viet-nam-thuc-day-vung-nguyen-lieu-ben-vung-quy-mo-lon-217079.html