Năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công và điều chỉnh lương hưu
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 chưa xem xét việc điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu.
Ngày 2/10, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, cùng với mức tăng trưởng kinh tế tích cực, thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước tăng so với dự toán Quốc hội giao.
Trong đó, một số khoản thu nội địa tăng lớn; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đạt gấp nhiều lần so với dự toán; số nợ thuế nội địa tăng so với thời điểm ngày 31/12/2023. Đến nay vẫn còn khoản tiền chưa được phân bổ chi tiết của 18 Bộ và 17 địa phương; tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển còn chậm…
Đối với một số nội dung Chính phủ xin ý kiến, bà Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về việc cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.
"Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp người có công. Đề nghị khẩn trương hoàn thành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 để thực hiện thống nhất", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước trong 3 năm 2025-2027, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ các khoản còn dư địa thu, nâng cao chất lượng công tác dự báo để phấn đấu tăng thu năm 2024 ở mức cao nhất làm căn cứ xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tích cực hơn.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm những năm gần đây, dự toán năm 2025 cần hạn chế thấp nhất các khoản chi không phân bổ ngay từ đầu năm, chậm phân bổ.
Về thu ngân sách Nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Theo đó, chưa giải quyết được tính đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Công tác lập kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước hằng năm vẫn còn hạn chế, chưa sát với khả năng thực hiện.
"Các khó khăn, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đã được tập trung xử lý nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguồn thu ngân sách địa phương chưa được đảm bảo để bố trí cho chi đầu tư phát triển. Vẫn còn các khó khăn, vướng mắc trong lập, phân bổ kế hoạch và trong triển khai thực hiện dự án", ông Trần Quốc Phương nói.
Đề cập về kế hoạch đầu tư công năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả trong lập kế hoạch đầu tư công...
Trong năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2025 được Thủ tướng giao.