Giá cà phê hôm nay 22/1/2025: Giá cà phê robusta củng cố mức cao mới, tin mới về các tuyến vận chuyển quốc tế, đà tăng giá vẫn còn?

Tính chung năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng hơn 1,34 triệu tấn cà phê các loại, giảm mạnh 17,1% so với năm 2023 và là mức thấp nhất trong 9 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng trong niên vụ 2023 - 2024 vừa qua ước giảm 6% so với niên vụ trước đó, chỉ đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn.

Giá cà phê hôm nay 22/1/2025

Giá cà phê thế giới tăng mạnh trên sàn London đạt mức cao nhất trong 1 tháng và giảm nhẹ trên sàn New York. Tổng cộng trong ba phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2025 đã tăng 7,65%, tương ứng 374 USD/tấn.

Giá cà phê trong nước cũng tăng tới 1.000 - 1.500 đồng/kg, trở lại ngưỡng 120.000 đồng/kg. So với nhiều năm qua, năm nay vụ thu hoạch của Việt Nam muộn hơn khá nhiều. Có nhiều yếu tố, thứ nhất là thời tiết bất thường khiến mùa mưa kết thúc muộn, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là cơn bão số 10 trên Biển Đông vào cuối tháng 12/2024 gây mưa diện rộng ở Tây nguyên; thứ 2 là người trồng cà phê tái canh một số giống mới chín muộn hơn.

Đồng USD lao dốc, cùng giá vàng giảm trở lại phần nào, trong khi giá robusta chớp thời cơ tăng vọt lên trên 5.100 USD/tấn vượt xa kỳ vọng của giới phân tích kỹ thuật. Giá cà phê robusta tăng đang gây thêm áp lực lên cà phê arabica.

Thị trường hiện lo ngại, khi Việt Nam chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày, có thể xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung, hàng robusta không thể sớm cung ra thị trường, giúp cà phê sàn London tăng tiếp. Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng niên vụ hiện tại giảm khoảng 5%.

Thị trường nội địa Việt Nam dự kiến sẽ trầm lắng khi các hoạt động chuẩn bị cho lễ Tết bước vào giai đoạn cao điểm, trước tuần lễ mừng Tết chào đón năm mới Ất Tỵ. Kỳ nghỉ dự kiến kéo dài đến ngày 2 tháng 2, và có thể dự đoán một khoảng thời gian yên ắng cuối tháng 1. Điều này bao gồm sự chậm lại ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong thời gian nghỉ lễ, bao gồm cả hoạt động vận chuyển từ nội địa đến cảng và xuất khẩu tại các cảng.

Năm 2024, giá cà phê thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới, chủ yếu do những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam và Brazil do thời tiết không thuận lợi. Việc các quỹ đầu cơ đẩy mạnh mua vào, căng thẳng ở Biển Đỏ gia tăng khiến cước phí vận tải biển tăng cao cũng là những yếu tố khiến giá cà phê tăng mạnh. Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi các quốc gia tăng tích trữ trước mối lo ngại châu Âu thực thi EUDR sau ngày 30/12/2024.

Giá cà phê trong nước ngày 21/1 tăng mạnh 1.000 - 1.500 tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Braziliancoffee)

Giá cà phê trong nước ngày 21/1 tăng mạnh 1.000 - 1.500 tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Braziliancoffee)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 21/1, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 120 USD, giao dịch tại 5.263 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 tăng 127 USD giao dịch tại 5.217 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm nhẹ, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 0,55 Cent, giao dịch tại 327,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 giảm 0,65 Cent, giao dịch tại 323,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước ngày 21/1 tăng mạnh 1.000 - 1.500 tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg

(Nguồn: giacaphe.com)

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối tuần, đà tăng sẽ vẫn còn vì nguồn cung từ Việt Nam chậm lại do gần đến kỳ nghỉ dài và vị thế dư mua đang giảm trên 2 sàn.

Việt Nam, quốc gia xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, đang đối mặt với nhiều khó khăn trong niên vụ 2024-2025. Theo các chuyên gia, hơn 70% diện tích cà phê đã được thu hoạch, nhưng sản lượng dự kiến giảm khoảng 5% do ảnh hưởng của thời tiết bất thường. Mùa mưa kéo dài và mưa trái mùa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chín của cà phê, có thể làm giảm năng suất và chất lượng hạt.

Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh gia tăng từ các nước sản xuất lớn như Brazil cũng tạo áp lực lên giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù Brazil đang phải đối mặt với sản lượng arabica giảm, nhưng robusta của nước này lại được dự báo bù đắp phần nào, tạo ra nguồn cung dồi dào trên thị trường quốc tế.

Các nhà giao dịch cho biết, xuất khẩu cà phê từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil có thể chậm lại trong năm nay, do đây là năm mất mùa trong chu kỳ hai năm một lần của quốc gia này, trong khi thời tiết khô hạn vào năm ngoái có thể làm giảm sản lượng vụ mùa 2025-2026.

Tin mới có thể ảnh hưởng đến giá trong thời gian tới là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang có dấu hiệu giảm bớt, với các cuộc thảo luận về khả năng các tuyến vận chuyển qua Biển Đỏ sẽ được mở lại. Viễn cảnh tuyến đường này có thể sớm được khôi phục sẽ mang lại một số cải thiện đáng kể, giúp cải thiện tốc độ luân chuyển hàng tồn kho trong các quốc gia và mang lại lợi ích cho cả nhà xuất khẩu lẫn nhập khẩu . Điều này sẽ tốt hơn so với các tuyến vận chuyển thay thế qua phía Nam Sừng châu Phi, vòng qua Mũi Hảo Vọng, vốn làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa trung bình thêm khoảng 8 tuần.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc tuyến đường qua Kênh đào Suez - vốn là con đường chính kết nối Trung Đông và Đông Á với các thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu có thể sớm hoạt động trở lại vẫn chưa được xác nhận.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-2212025-gia-ca-phe-robusta-cung-co-muc-cao-moi-tin-moi-ve-cac-tuyen-van-chuyen-quoc-te-da-tang-gia-van-con-301790.html