Giá cà phê hôm nay 25/1: Áp lực bán phòng hộ hàng vụ mới; Giá hồ tiêu tăng tại một số địa phương

Bước vào phiên giao dịch tuần này, thị trường cà phê khởi đầu từ xu hướng giảm của tuần trước. Sản lượng cà phê robusta của Brazil tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Giá hồ tiêu đi lên rải rác tại một số địa phương, giá cao nhất là 53.000 đồng/kg.

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Tương tự, giá cà phê Arabica đảo chiều giảm trở lại, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới. (Nguồn: Primecoffea)

Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới. (Nguồn: Primecoffea)

Bước vào phiên giao dịch tuần này, thị trường khởi đầu từ xu hướng giảm của tuần trước, mức giá cà phê robusta niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) giảm ở tất cả các thời điểm bàn giao, giá giao tháng 3/2021 giảm 13 USD/tấn (0,98%) so với chốt phiên trước đó, xuống còn 1.310 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng giảm 13 USD/tấn (0,97%) giao dịch ở 1.322 USD/tấn.

Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) lại quay đầu giảm; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 2,25 Cent (1,78%), xuống còn 124,05 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 2,2 Cent (1,71%), chỉ còn 126,2 Cent/lb.

Báo cáo thời tiết từ Brazil cho biết, bang Minas Gerais sản xuất cà phê arabica chính ở phía Đông Nam đã có nhiều mưa, lượng mưa khá cao trên mức trung bình, thuận lợi cho cây cà phê phát triển vụ mới, cho dù những thiệt hại vì khô hạn ngay từ đầu vụ là không thể thay đổi. Theo các nhà quan sát, sức ép của lực bán phòng hộ hàng vụ mới diễn ra khá đáng kể không chỉ từ các nước sản xuất mà còn do đầu cơ bán ròng trên cả hai sàn cà phê phái sinh khi dịch bệnh gia tăng, kinh tế toàn cầu suy thoái buộc nhiều quốc gia phải tung ra những gói kích cầu mới.

Công ty phân phối thực phẩm quốc gia của Brazil (Conab) cho biết, sản lượng cà phê của nước này năm 2020 đạt gần kỷ lục do diện tích sản xuất tại quốc gia này tăng lần đầu tiên kể từ năm 2012, đạt khoảng 1,88 triệu ha, tăng 3,9% so với năm 2019.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành tháng 12/2020, sản lượng cà phê 2020/2021 của Brazil là 67,9 triệu bao gồm Arabica 47,8 triệu bao và robusta 20,1 triệu bao. Như vậy, sản lượng robusta của Brazil đã tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, tương đương 2/3 sản lượng robusta của Việt Nam. USDA dự đoán, niên vụ này Việt Nam đạt 29 triệu bao gồm 28 triệu bao robusta và 1 triệu bao arabica.

Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về sản lượng cà phê robusta sau Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê thu mua tại các vùng trồng trọng điểm tăng nhẹ 100 đồng/kg,dao động trong khoảng 30.900 - 31.300 đồng/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng giao dịch ở mức 30.900 đồng/kg; tại Đắk Lắk dao động ở 31.200 - 31.300 đồng/kg; tại Đắk Nông giá trong khoảng 31.100 - 31.200 đồng/kg; tại Gia Lai giá trong khoảng 31.200 - 31.300 đồng/kg; tại Kon Tum được thu mua với mức 31.300 đồng/kg.

Áp lực bán phòng hộ hàng vụ mới từ Việt Nam không nhỏ, nhưng thị trường cũng ghi nhận không có hiện tượng bán ồ ạt như thông lệ hàng năm.

Giá hồ tiêu trong nước đi lên tại một số địa phương

Thị trường hồ tiêu thế giới tuần qua ghi nhận biến động trái chiều. Tại các thị trường nội địa, tiêu đen Malabar được báo cáo ổn định ở mốc 4.444 USD/triệu tấn. Tương tự, giá tiêu đen và tiêu trắng của Indonesia cũng lần lượt ổn định tại ngưỡng trung bình là 2.488 USD/triệu tấn và 4.230 USD/triệu tấn.

Trong khi đó, tại Malaysia, tiêu đen và tiêu trắng được giao dịch với mức tương ứng là 2.450 USD/triệu tấn và 3.920 USD/triệu tấn, tăng 3% và 2% so với tuần trước. Trái lại, hạt tiêu đen Sri Lanka được báo cáo thâm hụt 4% trong tuần này, hiện ghi nhận mốc trung bình là 2.668 USD/triệu tấn, theo International Pepper Community.

Sản lượng hồ tiêu năm 2020 của Ấn Độ đạt 65.000 - 70.000 tấn, tăng so với mức 50.000 - 55.000 tấn vào năm 2019. Ngành tiêu nước này dự báo sản lượng thu hoạch được sẽ thấp hơn vào năm 2021 do một bộ phận cây trồng bị hư hại bởi thời tiết thất thường. Còn theo Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25 - 30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn.

Giá hồ tiêu trên sàn giao dịch trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) khá ổn định, khởi động tuần mới với giá giao ngay trên sàn hiện ở mức 34.500 Rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 21/1/2021 đến ngày 27/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,8 VND/INR.

Cập nhật giá hồ tiêu trong nước, đi lên rải rác tại một số địa phương, giá cao nhất là 53.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Gia Lai tăng nhẹ 500 đồng/kg, hiện giao dịch tại mốc 50.500 đồng/kg; so với đầu tuần, giá thu mua tại tỉnh Đồng Nai tăng 1.000 đồng/kg lên ngưỡng 51.000 đồng/kg; giá tiêu giữ nguyên tại Đắk Lắk, Đắk Nông ở mức 51.500 đồng/kg; tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 53.000 đồng/kg; tại Bình Phước được thu mua với mức 52.000 đồng/kg

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-251-ap-luc-ban-phong-ho-hang-vu-moi-gia-ho-tieu-tang-tai-mot-so-dia-phuong-134755.html