Giá cà phê hôm nay 27/2: Cà phê robusta chịu tác động tiêu cực, 'ông lớn' Ngân hàng tung sản phẩm phái sinh giá cả

Xu hướng giảm giá của thị trường hàng hóa có thể đã tác động tiêu cực lên giá cà phê. Sau những phiên tăng mạnh, cả hai sàn giao dịch cà phê phái sinh đều đang ngập sắc đỏ.

Giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Nguồn: Broadcastcoffee)

Giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Nguồn: Broadcastcoffee)

Cập nhật giá cà phê thế giới

Ghi nhận của TG&VN vào 5h15 ngày 27/2 (giờ Việt Nam), trước giờ đóng cửa sàn giao dịch tuần này, giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) đang giảm nhẹ. Bảng niêm yết ở thời điểm hiện tại hiện tại cho thấy, giá giao tháng 5/2021 giảm 3 USD/tấn (0,2%) so với chốt phiên trước đó, giảm còn 1.473 USD/tấn; giá giao tháng 7/2021 cũng giảm thêm 5 USD/tấn (0,33%) giao dịch ở 1.490 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) giảm mạnh, màu đỏ phủ tất cả các kỳ hạn bàn giao; giá cà phê giao tháng 5 giảm 2,55 Cent (1,82%), xuống còn 137,5 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm tiếp 2,55 Cent (1,80%), xuống 139,3 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Phân tích thị trường: Xu hướng giảm giá của thị trường hàng hóa có thể đã tác động tiêu cực lên giá cà phê. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đã giảm sau những phiên tăng mạnh hơn 2%, giao dịch trên mức 140 Cents - mức giá cao đầu tiên kể từ tháng 9/2017 đến nay.

Lo ngại thời tiết bất lợi, cùng với dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát nhờ vaccine là động lực hỗ trợ chính với giá cà phê thời gian vừa qua. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/2 lần đầu giảm mạnh xuống mức 730.000 người, thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020. Đây là một tín hiệu tích cực cho nhu cầu cà phê, có thể sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dòng vốn từ các kênh tài chính khác như cổ phiếu, tiền điện tử hay kim loại quý đều đang bị rút mạnh, cũng là yếu tô hỗ trợ quan trọng cho giới đầu cơ chuyển tiền vào đầu tư hàng hóa, trong đó có cà phê - một trong những danh mục đầu tư rất được chú trọng.

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, hôm nay là phiên giao dịch cuối tháng, tâm lý chốt lời và điều chỉnh danh mục sẽ gia tăng. Trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa khác đều đang suy yếu, có thể tác động tiêu cực đến các mặt hàng cà phê.

Về mặt kỹ thuật, các dấu hiện trong thời điểm này cho thấy các nhà đầu tư cần bám sát các diễn biến trong phiên để có thể giao dịch hiệu quả. Nếu giá tiếp tục mạnh lên, hoàn toàn có thể vượt qua đỉnh gần nhất 142.45 và hướng về mức 145. Trong trường hợp thị trường điều chỉnh, giá có thể về lại vùng 137.00 - 138.00.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 hiện đang quay đầu giảm, nhưng trước đó đã có những phiên tăng mạnh, giá giao dịch hiện đứng ở mức cao 1.473 USD/tấn, ảnh hưởng chủ yếu từ mức tăng của cà phê arabica. Phản ánh rõ diễn biến thị trường, trước đó, giá dù đã tăng 4 phiên liên tiếp nhưng 2 phiên gần đây đều không vượt lên được mức kháng cự quan trọng 1.480 khiến cho xác suất đảo chiều tiếp tục tăng cao. Các chuyên gia của MXV dự đoán, giá có thể quay lại giằng co ở mức hỗ trợ 1.450 USD/tấn.

Giữa tháng 2/2021, giá cà phê toàn cầu đi lên do nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Thị trường Brazil giảm bán do kỳ nghỉ lễ Carnival và sắp tới thời điểm đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3/2021. Giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ có tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, thời tiết giá lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà của Mỹ tăng cao. Nhu cầu đối với phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu cũng có xu hướng đi lên do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo Cục Xuất Nhập khẩu.

Giá cà phê trong nước giảm 100 - 200 đồng/kg

Cập nhật giá cà phê hôm nay ngày 27/2 Tỉnh/huyện Giá thu mua LÂM ĐỒNG — Lâm Hà ROBUSTA 32.400 (VNĐ/Kg) — Bảo Lộc ROBUSTA 32.300 — Di Linh ROBUSTA 32.400 ĐẮK LẮK — Cư M'gar ROBUSTA 33.100 — Ea H'leo ROBUSTA 32.900 — Buôn Hồ ROBUSTA 32.900 GIA LAI — Pleiku ROBUSTA 32.800 — Ia Grai ROBUSTA 32.800 — Chư Prông ROBUSTA 32.700 ĐẮK NÔNG — Đắk R'lấp ROBUSTA 32.700 — Gia Nghĩa ROBUSTA 32,800 KON TUM — Đắk Hà ROBUSTA 32.800 HỒ CHÍ MINH — R1 34.300

Ngân hàng VietinBank mới đây đã triển khai toàn diện danh mục sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa cho khách hàng là các doanh nghiệp cà phê Việt Nam.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu nhiều năm đạt trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn - trong đó nổi bật là sự biến động khó lường của giá cà phê.

Sau năm 2019 lao đao vì giá giảm mạnh, năm 2020, ngành cà phê thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với những khó khăn chồng chất bởi dịch Covid-19. Một loạt quốc gia áp dụng cách ly toàn xã hội, đóng cửa quán cà phê, nhà hàng… khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sụt giảm trong khi sản lượng vẫn duy trì ở mức cao.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Toàn cầu (ICO), thế giới dư thừa gần một triệu bao cà phê trong mùa vụ 2019/2020. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng vì vậy mà sụt giảm mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị. Giá cà phê trong năm 2020 có thời điểm sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, cùng với đó là biên độ tăng giảm rất lớn. Sự biến động thất thường của giá cà phê đã tác động rất lớn đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Các sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa như Hợp đồng tương lai (Futures) hay Hợp đồng quyền chọn (Options)… được coi là những công cụ hữu hiệu để quản trị rủi ro biến động giá cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hiện nay. Sử dụng Hợp đồng tương lai, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam có thể chốt trước mức giá mua hoặc bán cà phê trong tương lai, giúp doanh nghiệp tính toán trước được chi phí, doanh thu; từ đó chỉ cần tập trung vào sản xuất mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận đặt ra.

Một điểm lợi thế khác của việc sử dụng Hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro biến động giá cà phê là mức ký quỹ thấp hơn nhiều so với giá trị của lô hàng. Hiện tại, doanh nghiệp chỉ cần ký quỹ khoảng 95 USD (7%) là có thể giao dịch một tấn cà phê robusta và khoảng 260 USD (9,5%) để giao dịch một tấn cà phê arabica.

Với những ưu điểm trên, sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa từ lâu đã được các doanh nghiệp trên thế giới ứng dụng để quản trị rủi ro biến động giá. Tại Việt Nam, công cụ phái sinh giá cả hàng hóa cũng ngày càng trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp khi Việt Nam hội nhập sâu và rộng hơn với nền kinh tế thế giới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-272-ca-phe-robusta-chiu-tac-dong-tieu-cuc-ong-lon-ngan-hang-tung-san-pham-phai-sinh-gia-ca-137780.html