Giá cà phê hôm nay 29/3: Vừa lên đỉnh đã quay đầu giảm, liệu có tăng trở lại?
Giá cà phê Robusta hôm nay tại thị trường trong nước và thế giới cùng quay đầu giảm. Dự kiến giá cà phê trong thời gian tới sẽ chịu áp lực do nguồn cung mới từ Brazil và Indonesia.
Giá cà phê hôm nay ngày 29/3/2024 tại thị trường trong nước
Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên quay đầu giảm.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 98.100 đồng/kg - thấp nhất trong các địa phương khảo sát.
Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 98.400 đồng/kg; tại Đắk Lắk giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 98.400 đồng/kg.
Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 98.600 đồng/kg.
Sau nhiều tháng đối mặt với tình hình nguồn cung ở mức thấp, thị trường cà phê bắt đầu đón nhận tín hiệu mới từ hoạt động thu hoạch tại Brazil và Indonesia.
Tại Brazil, một số vùng trồng Robusta sớm tại Espirito Santos sẽ bắt đầu vụ thu hoạch cà phê vào đầu quý 2/2024. Còn tại Indonesia - quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ ba thế giới, sang tháng 4 tới cũng bước vào vụ cà phê mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung, sự bổ sung cà phê mới thu hoạch từ Brazil và Indonesia dự kiến sẽ là yếu tố tích cực, giúp cải thiện nguồn cung cà phê thế giới, đặc biệt là tại các thị trường nhập khẩu lớn đang trong tình trạng cạn kiệt tồn kho như Mỹ và Châu Âu.
Đặc biệt, khả năng bù đắp nguồn cung mới từ hoạt động xuất khẩu của hai quốc gia này so với những thiếu hụt từ Việt Nam sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định diễn biến giá cà phê trong quý 2 tới.
Tuy Brazil và Indonesia có thể đẩy mạnh xuất khẩu khi nguồn cung vụ mới sẵn sàng nhưng rất khó để bù đắp hoàn toàn tình trạng khan hàng tại Việt Nam. Năm 2023, Brazil và Indonesia chỉ xuất khẩu khoảng 8 triệu bao Robusta (60 kg/bao), chưa bằng một nửa lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam. Hơn thế, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của Indonesia là không chắc chắn khi sản lượng vụ mới ở mức thấp và tồn kho vụ cũ gần như bằng 0. Hiện tại, quốc gia này vẫn đang tích cực mua cà phê từ Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện lượng cà phê trong tay nông dân gần như đã cạn kiệt, tình hình mua bán trở nên ảm đạm kể từ đầu năm 2024. Điều này đến sớm hơn so với mọi năm, khiến lo ngại thiếu hụt cà phê trong những tháng tới trở nên nghiêm trọng hơn.
Lũy kế 5,5 tháng đầu vụ 23/24 (từ tháng 10/2023 đến nửa đầu tháng 3/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, tăng 15-20% so với các năm trước. Trong khi, Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự kiến xuất khẩu cà phê năm 2024 của Việt Nam giảm mạnh 20% so với năm trước, xuống còn khoảng 1,3 triệu tấn.
Nhận định về giá cà phê trước bối cảnh bổ sung nguồn cung từ Brazil và Indonesia, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, giá cà phê khả năng cao sẽ hạ nhiệt từ giữa quý 2 nhưng khó giảm mạnh. Tâm lý thị trường có thể ổn định hơn khi có nguồn cung bổ sung từ Brazil và Indonesia nhưng lượng hàng từ hai quốc gia này không đủ để bù đắp cho Việt Nam.
“Giá cà phê Robusta thế giới dự kiến còn hướng lên vùng kỷ lục 4.000 USD/tấn, sau đó sẽ có nhịp điều chỉnh xuống. Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô sẽ tiếp tục hướng tới các mức trên 100.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt theo giá thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định.
Giá cà phê hôm nay ngày 29/3/2024 tại thị trường thế giới
Kết phiên giao dịch ngày 28/3, giá hai mặt hàng cà quay đầu giảm.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 giảm 80 USD/tấn, ở mức 3.479 USD/tấn; giao tháng 7/2024 giảm 71 USD/tấn, ở mức 3.396 USD/tấn.
Giá cà phê Robusta giảm khi dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê quý 1/2024 của Việt Nam tăng 44% so với cùng kỳ lên 799.000 tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 giảm 1,8 cent/lb, ở mức 188,85 cent/lb; giao tháng 7/2024 giảm 1,85 cent/lb, ở mức 188,05 cent/lb.
Đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần so với đồng USD đã làm giảm giá cà phê Arabica. Đồng Real yếu hơn khuyến khích nông dân Brazil đẩy mạnh bán hàng ra để thu về nhiều đồng nội tệ hơn.