Giá cà phê hôm nay ngày 4/4: Cà phê trong nước đang có giá từ 40.900 - 41.500 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay ngày 4/4/2022 tại thị trường trong nước và thế giới duy trì ổn định. Trong đó, thị trường cà phê trong nước đang có giá từ 40.900 - 41.500 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 4/4: Duy trì ổn định. Ảnh: Diệu Hoa

Thị trường cà phê thế giới biến động trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 5/2022 giảm 26 USD/tấn, ở mức 2.139 USD/tấn, giao tháng 7/2022 giảm 22 USD/tấn, ở mức 2.130 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 5/2022 tăng 2 cent/lb, ở mức 228,4 cent/lb, giao tháng 7/2022 tăng 2 cent/lb ở mức 228,45 cent/lb.

Tổng kết tuần qua, thị trường cà phê thế giới biến động trái chiều. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2022 giảm 9 USD/tấn, trong khi đó Arabica giao tháng 5/2022 tăng 6,55 cent/lb. Kết thúc quý I/2022, hiệu suất đầu tư trên sàn London giảm 5,5%, trong khi sàn New York tăng nhẹ. Khởi đầu quý 2, giá Arabica tiếp tục cho thấy chiều hướng tích cực còn Robusta đi theo chiều hướng ngược lại.

Theo các chuyên gia, thị trường cà phê thế giới đang bị ám ảnh bởi nỗi lo lạm phát toàn cầu, bên cạnh đó là thông tin về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất điều hành đồng USD. Thêm vào đó, cuộc khoảng hoảng về logistic toàn cầu tiếp tục gia tăng khi một trong những bến cảng sầm uất nhất thế giới là Thượng Hải bị phong tỏa vì Covid-19. Điều này dấy lên lo ngại giá cước vận tải tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới làm ảnh hưởng đến giá hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng. Yếu tố tích cực nâng đỡ giá cà phê Arabica hiện nay chính là tỷ giá đồng nội tệ của Brazil đang tăng mạnh và thông tin thời tiết không thuận lợi tại những vùng trồng trọng điểm của nước này.

Cần chú ý dư lượng Furan và Alkyfurans trong sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu

Giá cà phê hôm nay 4/4 tại thị trường trong nước tiếp tục giữ mức giao dịch hôm qua và đang giao dịch quanh ngưỡng 40.900 - 41.500 đồng/kg. Tuần qua, thị trường cà phê trong nước tăng nhẹ thêm 100 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định, thị trường cà phê cũng như thị trường chứng khoán, từ sáng tới chiều là đã có sự khác biệt và những diễn biến trên thị trường cà phê giống như "trò chơi" của nhà đầu cơ.

Ví dụ, giá cà phê ngoài thị trường đang lên nhưng các nhà đầu cơ muốn giá trên sàn xuống để tìm kiếm sự chênh lệch thì họ sẽ ''tung chiêu'' để ăn chênh lệch. Những người tâm lý không vững lo bán ra, lúc đó nhà đầu cơ sẽ tranh thủ mua vào, sau đó lại đẩy giá lên để bán.

Dự báo trong thời gian tới, các nước thành viên EU sẽ thường xuyên lấy mẫu với các sản phẩm liên quan và tiến hành phân tích và kiểm soát dư lượng Furan và Alkyfurans (hợp chất sinh ra trong quá trình xử lý nhiệt, có thể gây ung thư, và thường tìm thấy trong cà phê, thực phẩm đóng hộp của trẻ em, bánh biscuit, nước hoa quả, súp ăn liền, ngũ cốc ăn sáng, các loại snack giòn, khoai tây sấy). Mức dư lượng cho phép với cà phê là dưới 20 µg/kg, với các thực phẩm khác là 5 µg/kg.

Việt Nam xuất khẩu nhiều cà phê và một số loại nước hoa quả sang thị trường EU. Do vậy, Bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến sự có mặt của các chất này trong sản phẩm của mình. Nếu trong các sản phẩm của Việt Nam có dư lượng Furan và Alkylfuran vượt mức với tần suất nhiều, thì các sản phẩm đó có khả năng sẽ bị đưa vào cảnh báo tại EU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong quý I/2022, cà phê là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ; đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 50,4%. Hiện, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam hết sức đa dạng, trải rộng ở nhiều châu lục. Trong đó, các thị trường lớn có thể kể đến như: Đức, Bỉ, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ…

Hiện, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới do cơ chế trừ lùi. Cụ thể, giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn. Do vậy, để đạt con số xuất khẩu 6 tỷ USD như mục tiêu đề ra năm 2030, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy. Mặt khác, muốn phát triển ngành hàng cà phê thì cần đi theo hướng chế biến để đạt giá trị cao.

Trước mắt, thị trường cà phê Robusta còn chuẩn bị tiếp nhận những đợt cung ứng lớn từ hai nước Brazil và Indonesia, xếp vị trí thứ hai và ba sau Việt Nam. Vì vậy, cà phê của Việt Nam cần tránh việc bị đua nhau bán tháo, tạo sức ép lên sàn Robusta, gây hiệu ứng dây chuyền lên giá cà phê trong nước.

Hiện tại, giá cà phê tại Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng hôm nay đang thu mua ở 40.900 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay giữ ở mức 41.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) và Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê hiện cùng giữ mức 41.400 đồng/kg. Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê lần lượt thu mua ở mức 41.400 và 41.300 đồng/kg. Giá cà phê tại Chư Prông tỉnh Gia Lai đang ở mức 41.400 đồng/kg, ở Pleiku và La Grai cùng mức 41.300 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Kon Tum đang thu mua với mức 41.400 đồng/kg.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-ca-phe-hom-nay-ngay-44-ca-phe-trong-nuoc-dang-co-gia-tu-40900-41500-dongkg-102958.html