Giá cà phê khó hạ nhiệt

Việt Nam đóng góp 1/3 sản lượng cà phê robusta toàn cầu, nhưng thiên tai đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung. Giá robusta hiện đã gần ngang ngửa hạt arabica cao cấp.

 Hạt cà phê robusta trong quá trình làm nguội tại một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.

Hạt cà phê robusta trong quá trình làm nguội tại một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.

Việt Nam, nhà cung cấp 1/3 sản lượng cà phê cho các sản phẩm hòa tan và espresso trên toàn cầu, đang đối mặt với những đợt hạn hán và mưa lũ kéo dài. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch tháng 10 tới đây, Bloomberg đưa tin.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sản lượng thu hoạch của Việt Nam dự kiến giảm khoảng 10-15% trong vụ mùa này do biến đổi khí hậu và diện tích canh tác cà phê thu hẹp.

“Hạn hán khiến cây cho ít trái hơn và trái cũng nhỏ hơn. Mưa lớn cản trở nông dân thu hoạch và phơi cà phê, đồng thời gây khó khăn trong vận chuyển”, ông Minh chia sẻ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), robusta chiếm hơn 95% sản lượng cà phê của Việt Nam trong mùa vụ tới. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, song nguồn cung lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết, khiến giá cà phê robusta tăng hơn gấp đôi trong năm qua.

Hiện tại, giá robusta gần như ngang ngửa với arabica cao cấp, vốn cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Volcafe, một trong những nhà giao dịch cà phê lớn, cũng dự báo nguồn cung robusta toàn cầu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng trong giai đoạn 2024-2025, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp xảy ra tình trạng này.

 Giá cà phê robusta biến động liên tục trong một năm qua. Nguồn: ICE.

Giá cà phê robusta biến động liên tục trong một năm qua. Nguồn: ICE.

Tại Indonesia, quốc gia cung cấp khoảng 10% sản lượng robusta toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng cao cũng đang làm thu hẹp kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Moelyono Soesilo, Trưởng bộ phận cà phê hạ nguồn của Hiệp hội Xuất khẩu và công nghiệp cà phê Indonesia, sản lượng năm nay có thể đạt 10 triệu bao 60 kg, tăng 14% so với năm 2023. Tuy nhiên, do tiêu thụ nội địa tăng mạnh, xuất khẩu dự kiến vẫn duy trì ở mức khoảng 250.000 tấn.

Trong khi đó, đối thủ xuất khẩu cà phê của Indonesia tại châu Á, Việt Nam, cũng đang gặp khó khăn khi diện tích trồng cà phê đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Nông dân không còn đầu tư quá nhiều đất trồng vào cà phê, mà dần chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng và bơ.

Nguồn nước ngầm giảm và thiếu bóng râm cũng là thách thức dài hạn khi nhiều nông dân Việt Nam phụ thuộc vào giếng nước để tưới tiêu và rừng cây để giảm bốc hơi nước, theo báo cáo của USDA.

USDA dự báo sản lượng cà phê robusta Việt Nam sẽ giảm 1% trong mùa vụ tới, xuống còn 27,85 triệu bao 60 kg. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 9% so với mùa 2021-2022. Điều này phản ánh xu hướng giảm sản lượng trong dài hạn, trong khi nhu cầu khắp thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Cà phê robusta dự kiến tiếp tục gia tăng thị phần vì khả năng chịu nhiệt và kháng bệnh tốt hơn dòng arabica. Tuy nhiên, việc sản lượng đi xuống có thể là tin xấu cho những người uống cà phê trên toàn cầu, khi giá cà phê có khả năng duy trì ở mức cao.

Các đợt mưa liên tục sau khi bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc khiến các vùng trồng cà phê của Việt Nam chìm trong lũ lụt.

“Mưa kéo dài khiến các chuyến hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam bị hoãn đến đầu tháng 12 hoặc thậm chí muộn hơn, thay vì từ tháng 11”, Daryl Kryst, Phó chủ tịch điều hành và kinh doanh hàng hóa tại StoneX, cho biết, đồng thời dự đoán “giá cà phê robusta sẽ giảm, nhưng điều này có thể chưa xảy ra cho đến đầu năm sau”.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-ca-phe-kho-ha-nhiet-post1499490.html