Nữ giám đốc khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa
Thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả cũng như trân quý những sản phẩm của bà con nông dân làm ra, chị Hoàng Thị Tân (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) đã tích cực nghiên cứu, học hỏi để tìm hướng sản xuất, nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản của quê hương.
Thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả cũng như trân quý những sản phẩm của bà con nông dân làm ra, chị Hoàng Thị Tân (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) đã tích cực nghiên cứu, học hỏi để tìm hướng sản xuất, nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản của quê hương.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi xã Kim Phượng (Định Hóa) nên ngay từ nhỏ, chị Tân đã thuộc cách thức làm chè và những khó khăn vất vả của nghề, từ phơi héo, sao, vò chè đều dùng sức người... Vì vậy, chị chăm chỉ học tập mong thoát khỏi cảnh vất vả sớm hôm như bố mẹ mình.
Nhưng, như duyên đã định, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, sau những lần gửi đơn xin việc tại nhiều nơi, thông báo đầu tiên nhận chị vào làm lại là từ một công ty lớn chuyên sản xuất, chế biến chè trong tỉnh. Kể từ đó, chị Tân có dịp được gặp, học hỏi kinh nghiệm của rất nhiều tiền bối, nghệ nhân chè và "ngọn lửa" nghề trong chị cũng được thắp sáng từ đây.
Năm 2005, khi thấy sản phẩm chè của bà con xã Tân Cương làm ra vất vả nhưng bị tư thương ép giá, chị Tân đã nghỉ việc tại công ty, trở về vận động một số người tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè. Thời gian ấy, chị phải đôn đáo ngược xuôi để tìm thị trường cho sản phẩm.
Chị đã đến Khu du lịch hồ Núi Cốc gặp các chủ nhà hàng, khách sạn để tiếp thị, trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến các giám đốc, nhân viên, hướng dẫn viên và du khách… Dần dần, sản phẩm của Tổ hợp tác đã có chỗ đứng và chiếm được lòng tin yêu của khách hàng…
Đến năm 2018, Tổ hợp tác chuyển đổi thành Hợp tác xã (HTX) Tâm Trà Thái. Đến nay, HTX Tâm Trà Thái có 8 thành viên và 19 hộ liên kết với tổng diện tích trồng chè hơn 20ha, trong đó có 8,6ha đã được gắn mã vùng trồng, sản lượng trung bình đạt gần 20 tấn trà đinh, trà tôm nõn/năm.
Hiện nay, HTX Tâm Trà Thái có 2 sản phẩm Nhất đinh trà và Trà tôm nõn đạt OCOP 4 sao. Trung bình thu nhập của các thành viên và hộ liên kết dao động từ 4-15 triệu đồng/tháng tùy bộ phận.
Không chỉ ân tình với mảnh đất mình đang sinh sống mà với nguồn cội quê ngoại ở Định Hóa, chị Tân cũng rất nặng lòng. Chị đã thực hiện Dự án khôi phục nghề làm nón lá truyền thống của người Tày ở xã Quy Kỳ (Định Hóa). Để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Tày cũng như mang lại niềm vui cho các cụ cao tuổi, chị Tân đã vận động 6 cụ bà có độ tuổi từ 70-85 ở xã Quy Kỳ lập nhóm đan nón…
Những chiếc nón lá được chị Tân trân trọng, đưa về trưng, bày bán tại không gian văn hóa thưởng trà của HTX Tâm Trà Thái và đem theo mỗi khi có dịp đi công tác, du lịch tại nhiều tỉnh thành trong nước để giới thiệu tới nhiều người.
Chị Tân chia sẻ: Để tạo nên một chiếc nón Tày rất kỳ công, từ việc chọn cây giang, vót lạt giang thật mỏng, dẻo; sợi cước đan nón phải được lấy từ cây móc già mọc sâu trong rừng; bên trong nón phải tạo lớp như mắt cáo để vừa có độ bền vừa có độ êm khi đội; phía ngoài nón lợp lá cọ để tạo độ mát; ngoài ra để trang trí nón thì dùng một số chi tiết trên thân cây guột… Chính bởi vậy mà nay còn rất ít người làm được và nghề này dần dần thất truyền.
Trong một lần trở về quê mẹ ở xã Kim Phượng (huyện Định Hóa), sau đại dịch COVID-19, thấy gạo bao thai do mẹ mình và bà con cấy gặt vất vả nhưng bán với giá quá rẻ, chị Tân nảy ý tưởng sản xuất mỳ khô để tìm hướng tiêu thụ ổn định cho loại gạo đặc sản, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2007. Đầu năm 2022, chị Tân đã vận động 30 hộ dân xóm Bản Lác (xã Kim Phượng) sản xuất gạo bao thai theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp nguyên liệu cho HTX.
Cùng với đó, HTX cũng liên kết với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để tạo cơ sở vật chất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc trên 2 tỷ đồng, khép kín quy trình sản xuất, tạo sợi mỳ trắng, dẻo, giữ nguyên vị ngọt tự nhiên từ gạo bao thai.
Đầu năm 2023, thương hiệu VINAMYDH ra đời với các sản phẩm mỳ bún, mỳ phở, mỳ bánh đa cua và mỳ gói trộn tương đen... được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh. Cũng bởi vậy mà vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo bao thai đã được HTX mở rộng qua các năm, vụ mùa năm 2023 liên kết 32 hộ sản xuất 15ha lúa, thì vụ mùa năm 2024 HTX liên kết 373 hộ với 57,8ha.
Để mỳ gạo bao Thai được nhiều người biết đến, chị Tân đã đưa sản phẩm tham gia nhiều chương trình, cuộc thi. Năm 2023, sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Với Dự án khởi nghiệp "Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo bao thai VietGAP trên địa bàn xã Kim Phượng, Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vĩ, Tân Thịnh, Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên”, chị Tân đã xuất sắc đoạt giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.
Mới đây, tháng 7-2024, khi tham gia Hành trình OCOP - kết nối nông sản (Hà Nội), chị Tân đoạt giải Nhất và thành công khi ký kết với hơn 10 chuỗi siêu thị, thực phẩm sạch tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đưa sản phẩm vào tiêu thụ. Hiện sản phẩm mỳ gạo VINAMYDH đã được bán tại 16 trạm dừng nghỉ cao tốc tại các tỉnh từ Bắc vào Nam như: Hải Đăng, V23 Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc. Tại tỉnh Thái Nguyên có 30 điểm bán. Thời điểm này, trung bình mỗi tháng, HTX Tâm Trà Thái thu mua 20 tấn gạo bao thai Định Hóa, sản xuất 10 tấn mỳ/tháng.
Có thể nói, những việc mà chị Tân đã và đang làm không chỉ giúp người dân vùng nông thôn nơi chị khởi nghiệp từng bước phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, mà còn góp phần giúp người Tày ở Định Hóa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và đặc sản tinh túy quê hương.