Giá cà phê tăng 'quá nhanh, quá mạnh', có công ty xù hàng trăm ngàn tấn

Giá cà phê tăng cao khiến một số đơn vị thu mua phá vỡ hợp đồng gây ảnh hưởng uy tín với thị trường cà phê Việt Nam

Sáng 11-4, Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức họp ban chấp hành mở rộng lần thứ 1-2024. Cuộc họp nhằm trao đổi các thách thức và giải pháp trước bối cảnh giá cà phê tăng cao.

Khó mua trong nước, DN tìm hàng từ nước ngoài

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA, hiện nay giá cà phê đang tăng quá nhanh. Nếu như tháng 3- 2023 đang ở mức 47.000 đồng/kg thì đến nay giá đã ở mức 105.000 đồng/kg.

Ông Nam cho rằng, giá cà phê có thể đạt mức 110.000 đồng/kg trong tương lai, và đây là mức giá mà lịch sử ngành cà phê chưa bao giờ có.

"Đáng ra giá cao thì nông dân, doanh nghiệp (DN) phải là người mừng, nhưng ở góc độ hiệp hội, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh từ DN về rủi ro về vấn đề huy động vốn.

Chưa kể, đã xảy ra tình trạng một số đại lý thu mua và DN trên các địa phương có nguyên liệu đã không giao hàng đúng hạn cho các DN chế biến xuất khẩu, các DN FDI dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro. Điều này gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.

Chúng tôi biết có 1 DN đang "xù" hàng trăm ngàn tấn với số tiền rất khủng khiếp, hiện đã đưa ra tòa xử, và theo tôi phải xử nghiêm để làm gương cho tất cả mọi người"- ông Nam nói.

Cũng theo vị này, giá cao, lượng hàng trong nước không đủ, một số DN thu mua cà phê đã phải bù đắp nguồn hàng từ nước bạn, trong đó có việc tăng thu mua từ Brazil.

 VICOFA tổ chức cuộc họp ban chấp hành mở rộng lần thứ 1-2024. ẢNH: THU HÀ

VICOFA tổ chức cuộc họp ban chấp hành mở rộng lần thứ 1-2024. ẢNH: THU HÀ

Đại diện các DN như Công ty TNHH Neumann Việt Nam và Công ty TNHH Cà phê Ngon, Nestlé Việt Nam cũng thừa nhận, đã hoặc đang lên kế hoạch nhập khẩu cà phê từ Brazil để bù đắp nguồn hàng. Đây là tiền lệ chưa từng xảy ra trước đây.

Theo đại diện Neumann Việt Nam, tình trạng giá cao đã đẩy DN vào thế khó trong vấn đề giao hàng theo hợp đồng, gây ảnh hưởng dây chuyền tới các bạn hàng- tức các nhà rang xay mà đơn vị này đang cung cấp cà phê. Nguyên nhân là do các nhà cung ứng không tôn trọng hợp đồng đã ký, trễ hoặc không giao hàng. Điều này trở thành tiền lệ xấu, buộc các bạn hàng nước ngoài phải tìm kiếm nguồn hàng mới đến từ quốc gia khác.

Cần thiết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh

Cùng với trăn trở về giá, nguồn cung, đại diện JDF Việt Nam bày tỏ sự thất vọng về tâm lý găm hàng, trễ hẹn của các nhà thu mua trong nước.

“Có 1 tâm lý rất kỳ lạ, khi có tình trạng một số đơn vị thu mua xin trễ hẹn giao hàng chỗ A, nhưng lại đem hàng trễ hẹn đó để đi chào hàng cho đơn vị B. Tôi nghĩ chúng ta không nên dung túng cho điều này, vì làm như vậy là mất uy tín cho thị trường cà phê Việt Nam”.

Cũng theo vị này, DN, người dân cần hiểu rằng, các nhà buôn sẽ sẵn sàng dịch chuyển nguồn thu mua cà phê từ Việt Nam sang các quốc gia khác, như Indonesia, nơi mà giá cà phê đang rẻ hơn ở Việt Nam.

"Do đó, một môi trường kinh doanh lành mạnh, trong sạch là cần thiết"- vị này nhấn mạnh.

Tiếp lời đại diện JDF Việt Nam, phía Neumann Việt Nam đề xuất có một cổng thông tin công khai DN, nhà buôn vi phạm hợp đồng, để làm bài học nhãn tiền trong kinh doanh hiện nay.

Đề xuất này cũng được phía Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 ủng hộ và cho rằng các đơn vị thu mua trong nước, FDI, nhà rang xay lớn cũng nên phối hợp với nhau hơn nữa trong thời gian thu mua của từng mùa vụ, tránh anh này sợ hết hàng mua sớm, kéo theo tâm lý ùn ùn mua theo.

"Mấu chốt của vấn đề cũng là để cho bà con nông dân yên tâm với cây trồng của mình. Giá lên xuống thất thường, thì bà con loay hoay với trồng chặt, mà khi chặt hết cà phê thì không khéo Việt Nam phải đi nhập khẩu hết. Theo tôi, để ổn định nguồn cung rất cần công tác đẩy mạnh sản xuất bền vững ở ngành cà phê"- vị này nói.

Phía VICOFA cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ/ngành cao hơn, để có các giải pháp về phát triển cà phê bền vững cho bà con nông dân bám nghề, cũng như giải pháp tài chính giúp DN thu mua ổn định giá.

Phát huy thế mạnh của cà phê Việt

VICOFA cho biết hiện nay Việt Nam đang là nước có tỉ lệ an toàn nhất khi đưa hàng vào châu Âu với hồ sơ là trồng cà phê bền vững không phá rừng. DN nên duy trì lợi thế này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết đã nắm bắt các tâm tư của DN, và đang tiếp tục bàn bạc để tìm cách giải quyết các khó khăn về giá. Đồng thời tăng cường các biện pháp an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với nông sản Việt trên thế giới.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-ca-phe-tang-qua-nhanh-qua-manh-co-cong-ty-xu-hang-tram-ngan-tan-post785004.html