Giá cả thị trường bình ổn, không hiếm hàng, khan giá
Báo cáo nhanh của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho biết, trong tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá một số hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng.
Tại một số địa phương, cung cầu thị trường ngày 29 Tết là ngày cuối cùng của năm Tân Sửu diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá, lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định, không nhiều vì đây ngày thứ ba được nghỉ trong dịp Tết nên người dân đi mua sắm chuẩn bị cuối năm cũng đã ít hơn so với ngày đầu nghỉ Tết. Đồng thời, với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì hoạt động mua sắm của người dân cũng trầm lắng hơn so với cùng thời điểm các năm. Hoạt động mua sắm của người dân chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ cúng Giao thừa và sáng mùng 1 như hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống.
Bộ Tài chính cũng cho biết, do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động trước Tết, thêm vào đó là lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Nhiều siêu thị đã có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh thành phố lớn.
Về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, một số mặt hàng thủy hải sản, hoa chưng Tết.
Do tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều người lao động ở lại các thành phố lớn đón Tết, vì vậy hoạt động mua sắm ở các thành phố lớn vẫn nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên các hoạt động vui chơi giải trí lễ hội đều hạn chế, do đó giá cả các dịch vụ này đều không có sự biến động giá bất thường. Riêng giá hoa, cây cảnh có xu hướng giảm so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, hoa đẹp, không bị khan hiếm; lượng mua giảm dần vào ngày cuối năm.
Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng; các loại hoa quả tươi bày thờ cúng tăng giá nhẹ để phục vụ nhu cầu các gia đình bày mâm ngũ quả, cắm hoa Tết.
Ngoài ra, giá cước vận tải cũng không tăng đột biến do tác động của dịch Covid-19, nhiều người dân không về quê ăn Tết hoặc đi xe riêng, cũng như đã về từ những ngày trước nên nhu cầu đi lại giảm xuống, lượng khách tại các bến xe trung tâm khá ít.
Bộ Tài chính cũng dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày mùng 1 Tết là ngày đầu tiên của năm mới không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm sẽ ít hơn, người dân phần lớn đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết. Đồng thời tại các tỉnh, thành phố lớn thì nhiều siêu thị cửa hàng phục vụ xuyên Tết; đến khoảng trưa ngày mùng 1 các cửa hàng cũng sẽ dần mở cửa đầu xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ. Thực hiện chủ trương chung phòng chống dịch Covid-19, các địa phương cũng hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội vui chơi ngày Tết; do đó các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi, đi lại sẽ không có diễn biến bất thường về giá; lượng khách đến các địa điểm lễ hội sẽ giảm mạnh so với hằng năm.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đánh giá nguồn cung và nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động, tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hoặc trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, các địa phương tiếp tục theo dõi và làm tốt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa điểm có thể tập trung đông người như ở các chợ truyền thống, siêu thị…