Kết quả nổi bật trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng lòng chung sức của người dân, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng chí Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào

Đồng chí Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào

Theo đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ). Cùng với sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 18 đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan và làm việc tại địa phương. Đồng thời đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị, văn hóa, các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân định kỳ của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ được tăng cường, đã tổ chức 12 lớp tập huấn về bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) và các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN. Trong năm, phát hiện, tấn công, vô hiệu hóa 22 mục tiêu là nguồn phát tán, chia sẻ nội dung xấu độc, sai sự thật, bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước; kiểm tra 29 cơ quan, đơn vị về an ninh, an toàn hệ thống thông tin và bảo vệ BMNN trên không gian mạng; hướng dẫn 16 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khắc phục hạn chế về công tác an ninh mạng. Đồng thời, tổ chức tốt công tác vận động, tranh thủ trên 550 lượt chức sắc, cốt cán trong tôn giáo và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân các dịp lễ, tết truyền thống.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động cán bộ, Nhân dân tham gia Phong trào TDBVANTQ được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục và kịp thời; đa dạng hóa nội dung và hình thức, phương pháp tuyên truyền, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn, tầng lớp dân cư, bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Cùng với đó, lồng ghép việc tuyên truyền xây dựng Phong trào TDBVANTQ với các hoạt động tuyên truyền khác để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Kết quả trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức 1.584 buổi tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy với 311.598 người tham dự. Vận động người dân tự nguyện giao nộp 526 súng các loại, 7.637 viên đạn, 48 lựu đạn… Đồng thời, đã tuyên truyền trực tiếp 1.241 buổi cho 466.528 lượt học sinh, giáo viên; 214 buổi cho 58.628 lượt người dân, lái xe về an toàn giao thông; phát 87.421 tờ rơi, 200 cẩm nang an toàn giao thông đường bộ.

Tổ chức cho 80.637 người ký cam kết không mua bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; 140 nhà hàng cam kết nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia. Tổ chức cho 86 doanh nghiệp, 236 chủ xe, 3.630 lái xe, 6 chủ bến bãi, 8 xưởng sửa chữa xe ô tô cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không chở hàng quá tải, không cơi nới thùng xe, không vận chuyển hàng cấm, không rõ xuất xứ, thực phẩm bẩn, pháo nổ…

Xác định Phong trào TDBVANTQ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tự giác tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an chủ trì phối hợp với quân đội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ động triển khai các biện pháp, tăng cường các hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân. Tập hợp vận động người cao tuổi, các nhân sĩ, trí thức, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tham gia vào công tác Mặt trận, các tổ chức làm công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Qua phát động phong trào, quần chúng Nhân dân đã phát hiện, cung cấp 3.602 tin có giá trị, giúp các lực lượng chức năng điều tra làm rõ 1.010/1.173 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt 86,1%), bắt giữ, xử lý 1.954 đối tượng; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khám phá 118/127 vụ (đạt 92,91%); bắt, vận động đầu thú, thanh loại 59 đối tượng. Quá trình triển khai thực hiện, đã có 1.361/1.367 khu dân cư, 108/111 xã, 18/18 phường, 11/13 thị trấn, 871/984 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục các cấp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.

Hiện nay, cả tỉnh đang duy trì 110 mô hình, trong số đó 95 mô hình hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như Mô hình: “Giáo xứ không có tội phạm”, “Giáo họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ cựu chiến binh gương mẫu”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Cổng trường an toàn”, “Tổ tuần tra, canh gác bảo vệ mùa vụ”… Đặc biệt, Mô hình Camera an ninh đã được xem là mô hình nổi bật, phù hợp với tình hình hiện nay, được nhân rộng trên toàn tỉnh với 5.869 mắt camera và đang tiếp tục được nhân rộng vì hiệu quả thiết thực.

Cũng trong năm, toàn tỉnh đã thành lập 1.367 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên 1.367 thôn, tổ dân phố với 4.261 thành viên. Lực lượng Công an các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành và chỉ đạo triển khai kịp thời nhiều văn bản quan trọng, có tính cơ bản, chiến lược về xây dựng Phong trào TDBVANTQ, xây dựng nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân.

THỤY TRANG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phap-luat/202501/ket-qua-noi-bat-trong-phong-trao-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-4fd1dd8/