Giá cá tra tăng cao kỷ lục: Người phấn khởi, kẻ tiếc 'đứt ruột'
Giá cá tra hiện được thu mua từ 28.000 – 30.000 đồng/kg. Giá cá tăng cao, người vui mừng vì được thêm lãi, người treo ao lại tiếc 'đứt ruột'.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam tương đương với năm 2020 (5.700 ha). Các hiệp hội cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, trong năm 2022, diện tích ao nuôi giảm dẫn đến sản lượng giảm. Trong khi đó, nhu cầu ngày càng cao khiến giá cá tra có điều kiện bật tăng.
2 năm qua, giá cá tra sụt giảm sâu khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ nặng dẫn đến treo ao
Bài liên quan
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt 9,2 tỷ USD trong năm 2022
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt kỷ lục
Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ thanh long và nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc
Ngành xuất khẩu thủy sản phía Nam đang gặp khó
Cụ thể, trung tuần tháng 2/2022, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng cao khiến người nuôi phấn khởi, hiện giá cá tra được thương lái thu mua từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, đối với cá có trọng lượng dưới 1kg.
Anh Tín, một hộ nuôi cá tra tại TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết với mức giá này người nuôi có lời từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Song, lại ít có hộ dân có cá để bán.
Theo một hộ nuôi cá tra ở An Giang, mặc dù giá cá đang ở mức 30.000 đồng/kg nhưng đa phần hộ nuôi không có cá đúng chuẩn (từ 800g – 1kg) để bán cho doanh nghiệp. Hơn nữa, nhiều hộ nuôi hiện nay đang nuôi gia công cho doanh nghiệp nên giá cá tăng chỉ có lợi cho các công ty.
Hiệp hội cá tra khu vực ĐBSCL khuyến cáo người dân không nên thả nuôi, tránh tình trạng thừa cá, dẫn đến giá cá giảm sâu
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra An Giang chỉ ra, nguyên nhân giá cá tra tăng cao là thời gian qua có nhiều hộ nuôi thua lỗ, thiếu vốn, treo ao… Từ đó, dẫn đến thiếu cá nguyên liệu, giá cá cao nhưng dân không có cá để bán cho doanh nghiệp.
Ông Bình khuyến cáo hộ nuôi cá không nên ồ ạt thả nuôi hay mở rộng diện tích, vì giá cá có thể bình ổn lại vào tháng 7. Còn người dân “bất chấp” nuôi, nguồn cá dồi dào trở lại, giá cá sụt giảm, người nuôi lỗ nặng.
Để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cá còn được khuyến cáo cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không thấp thỏm đầu ra. Mặt khác, doanh nghiệp cần có chiến lược trong kinh doanh trong khâu tiêu thụ cá cho nông dân, tránh tình trạng cá tới lứa nhưng doanh nghiệp “quay lưng” với người nuôi.
Thu hoạch cá tra ở huyện An Phú, tỉnh An Giang
Hiện, tại Đồng Tháp - địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất khu vực ĐBSCL, năm 2021, diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt trên 2.000 ha. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.180 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Năm ngoái, những cơ sở này sản xuất khoảng 19.000 triệu con cá tra bột, giảm 18,4% và 1.100 triệu con cá tra giống, giảm 18,2% so với năm 2020.
Còn An Giang có tổng diện tích nuôi cá tra đạt 1.200 ha. Trong đó, doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp chiếm hơn 1.000 ha (chiếm 87%), hộ nuôi không liên kết với doanh nghiệp chỉ còn 187 ha; sản lượng ước khoảng 400.000 - 450.000 tấn/năm.