Gia cảnh của người đàn ông 2 vợ, 21 đứa con
Do căn nhà sàn ọp ẹp không bao giờ chứa đủ 21 đứa con nên bọn nhỏ tự 'quy hoạch' làm hai khu: Nam và nữ. 'Đò đầy thì phải sang sông', thế là mỗi lần tổ chức đám cưới, gia đình ấy lại gánh thêm một khoản nợ…
Đông con nhất bản Tả Bốc
Bản Tả Bốc, xã Lương Thông nằm cách đường nhựa của huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng khoảng nửa ngày đi bộ. Nhiều đoạn, dốc thẳng đứng chỉ vừa khít một người đi. Nó hoang vu đến mức, càng leo chúng tôi càng không tin được rằng: Phía cuối con đường sẽ có... một bản làng.
Vừa đến đầu bản, thấy chúng tôi cầm máy ảnh, bà con đã mau miệng hỏi: “Đến nhà anh Ve phải không?”. Người ta phong cho anh làm “vua đẻ” cũng không ngoa, bởi ở cái bản Tả Bốc quanh năm mây phủ này, anh Ve có đông con nhất. Đi đâu cũng gặp họ hàng của anh Ve. Anh em ruột, anh em họ rồi đến con cái, con rể rải khắp bản. Đơn giản vì dòng họ của anh có truyền thống... đẻ nhiều.
Mấy đời gần đây thế hệ nào gia đình anh Ve cũng lập kỷ lục đẻ nhiều nhất bản. Đời ông cụ của anh Ve có đến 12 con, bố mẹ anh cũng sinh 8 người con. Anh Ve “ tiếp nối cha anh” khi anh năm nay 51 tuổi đã có... 21 người con.
Nhìn từ xa, một chàng thanh niên chui từ trong đám ngô, tay cầm một bó rau rừng là Trương Văn Vàng (SN 1997, con thứ 7 của anh Ve). Mở cửa dẫn khách vào nhà Vàng chẳng khác gì “thầy giáo quản lý học sinh” vơíđộ tuổi từ em nhỏ nhất 2 tuổi những đến em trên 10 tuổi.
Khi chúng tôi hỏi Vàng là con thứ mấy trong gia đình? Cậu bé ngơ ngác, lắc đầu: “Nhà em đông anh, chị, em nên em cũng không biết. Em chỉ biết là con bố Ve thôi”.
Dứt lời, Vàng tranh thủ ngắt nắm rau rừng bỏ xuống chảo nước đang sôi sùng sục. Ngọn lửa bắt đầu cháy cũng là lúc chục đứa trẻ khác dừng lại mọi hoạt động vui chơi, hướng ánh mắt về phía chảo canh. Lúc này, đồng hồ đã điểm 12h trưa.
“Công thức” nấu canh của Vàng là 5 lít nước suối được đổ xuống chảo, nắm rau rừng dại vừa ngắt cùng 1 nắm muối rồi đun sôi vậy là thành nồi canh phục vụ 17 miệng ăn đang lăm lăm trực chờ. Các em có đứa cũng chỉ 4 – 5 tuổi không ai bảo ai đứa cầm thìa to, tô, bát…xới mèn mén, múc canh rồi mỗi đứa ngồi một góc trong nhà ăn.
Vợ chồng anh Ve đẻ nhiều con quá nên hàng năm thiếu đói tận 3 - 4 tháng, để có ngô ăn gia đình lại đem đổi con gà lấy ít ngô hay bán con bò mua ngô ăn chờ đến vụ ngô mới, đó là cách mà đại gia đình anh Ve vượt qua cơn đói mùa giáp hạt hàng năm.
Bi kịch của chuyện đẻ nhiều
Trưa muộn, chúng tôi mới gặp được bố của những đứa trẻ đang vây xung quanh. Dù là người dân tộc Mông nhưng anh Ve nói tiếng phổ thông khá thành thạo. Vừa ăn bát mèn mén của các con để lại, ông Ve kể lại giai thoại hai bà vợ thay nhau đẻ con của mình.
Trước đây khi chưa lập gia đình, nhà anh Ve là gia đình giàu có nhất xóm Tả Bốc, nhiều bò, ngô, nhà to nhất xóm, không thiếu thứ gì. Năm 1984, anh lấy vợ, sau 4 lần mang thai vợ chỉ toàn đẻ con gái, anh quyết định lấy vợ hai vào năm 1993. Khi đứa con đầu lòng của vợ hai là con trai, anh mổ lợn ăn mừng.
Nhưng trớ trêu thay, khi vợ cả mang bầu đứa con thứ 5 cũng sinh con trai và cũng từ đây hai bà vợ anh Ve hễ vợ cả mang bầu, thì vợ hai lại đẻ. Cứ thế, chẳng bao lâu sau anh có 21 người con. Trong đó, bà vợ cả đẻ được 10 đứa con còn vợ hai có 11 đứa con.
21 đứa trẻ đã được hai bà vợ của Trương Văn Ve sinh hạ chính trong căn nhà của anh, do anh dựng và cai quản suốt hơn hai chục năm qua. Hầu như toàn bộ công việc là do hai bà vợ và những đứa con đã có thể bẻ ngô cuốc đất của Ve làm. Hai bà vợ đều đẻ tại nhà, không một đứa con nào được đẻ ở trạm xá (vì ở quá xa).
Ngôi nhà sàn thì góc nào cũng có cửa, ngoài cửa nhà là chuồng gà, chuồng lợn, dưới gầm là trâu bò, trên gác là lúa ngô. Đàn con gần 20 đứa (không khi nào nhà chứa đủ 20 đứa, vì đứa bé ra đời thì đứa chị của nó đã được gả chồng) thì chia làm hai khu: khu nữ, khu nam. “Bọn chúng” cứ tự ăn, tự ra suối tắm nếu có thể, rồi đi ngủ và bảo ban nhau theo “điều lệ” của anh chị lớn hơn. Từng ấy đứa con, nhưng hiện tại, chỉ có 4 đứa con của Ve ra trường xã Lương Thông học. Bọn nhỏ đói rạc, nghèo khó khốn cùng. Ngô thì trên lúng (thung lũng), rau thì ngoài rừng, có gì ăn nấy…
Cả nhà anh Ve sống duy nhất bằng nghề trồng ngô, trồng lúa nương, trong khi ruộng rẫy ngày càng bạc màu. Con suối qua bản cạn trơ lòng đá, vì thế bản bị đặt tên là Tả Bốc (suối cạn). Anh Ve nhận trông nuôi 3 ha rừng cho Nhà nước, mỗi năm được nhận 300 nghìn đồng tiền công. Điều Trương Văn Ve lo nhất hiện nay là phải cưới vợ cho đám trẻ trai đến tuổi của mình. “Đò đầy thì đò phải sang sông”, mỗi đám cưới tốn tiền lắm, rồi nó có thêm vợ con về ở, cái nhà này lấy đâu chỗ mà ngủ, lấy gì mà ăn, lấy đâu tiền cho chúng nó đi học? Quả là, nhìn đám trẻ, chúng tôi không khỏi lo ngại khi nghĩ về tương lai của bọn nhỏ. Trong số 21 đứa con của anh Ve, đứa học cao nhất cũng chỉ đến lớp 9 là nghỉ, có đứa chẳng bao giờ được đến trường…
Không biết dạy chữ cho các con
Anh Trương Văn Ve sống rất “chung thủy” với... hai bà vợ. Hai bà cũng chẳng bao giờ đi ra khỏi bản, cùng lắm ra sau nhà hái rau, bẻ ngô, cuốc đất, rồi... đẻ. Họ đều sống hồn nhiên như cây cỏ. Anh học hết lớp 3 cách đây đã 27 năm giời, giờ đây, viết hai chữ “v” và “e” để ghép thành tên mình cũng lập cà lập cập. Hai bà vợ thì tuyệt nhiên chưa bao giờ đi học, không biết chữ, càng không nói được một từ tiếng Việt do vậy không thể dạy chữ cho các con.